Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Kỹ thuật trồng cây tía tô

II. Kỹ thuật trồng

2.1. Đất trồng tía tô

– Chọn chân đất cao, tơi xốp, thoát nước tốt.

– Đất được cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ và lên liếp.

– Mùa nắng: Làm liếp rộng 1- 1.2m, nếu đất cát pha có thể làm liếp chìm để giữ ẩm.

– Mùa mưa: Làm liếp rộng 0.8 – 1m, cao 20 cm.

2.2. Cách gieo trồng tía tô

– Có 2 cách : gieo hạt và giâm cành

– Liếp gieo hạt được cày bừa kỹ (đất nhuyễn), bón lót phân chuồng hoai. trước khi gieo nên rải Basudin và sau khi gieo phủ rơm. Khi hạt nẩy mầm phải giở rơm để cây mọc cứng.

– Khi cây có 5 – 6 lá thật (30 – 35 ngày sau gieo) là đem trồng .

2.3. Thời vụ gieo trồng tía tô

Tía tô có thể trồng được quanh năm.

2.4. Mật độ, khoảng cách

– Cây cách cây, hàng cách hàng: 15 x 15 cm.

– Mật độ: 450.000 cây/ha

2.5. Bón phân cho tía tô (tính cho 1.000 m2)

Bón lót: 1 tấn phân chuồng + 10 kg super lân.

Bón thúc:

+ 10 NST (ngày sau trồng): Hoà phân urê với nồng độ 20g/10 lít nước, kết hợp với bánh dầu, phân chuồng. 10 ngày tưới/lần.

+ 20 NST: Hoà phân urê để tưới như trên.

2.6. Chăm sóc tía tô:

Trước khi tưới nên vun gốc, làm cỏ. Phân bón nên hòa nhiều nước để không hư lá.

Nếu tía tô cấy theo hàng: làm cỏ vun gốc trước khi bón phân

Nếu gieo vãi: nhổ cỏ kịp thời để cỏ không lấn át tía tô.

Tía tô ít bị sâu bệnh. Các bệnh có thể gặp là: Bệnh thối cây ở gốc, bệnh héo lá, sâu ăn lá, sâu cuốn lá.

Nếu trồng tía tô trên diện tích nhỏ: nhổ bỏ cây bị héo, hoặc ngắt lá, bắt sâu.

Không phun thuốc, nhất là khoảng 10 – 15 ngày trước khi thu hoạch

2.7. Phòng trừ sâu bệnh cho cây tía tô

Bệnh chết cây và bệnh gỉ sắt:

Giai đoạn cây con có 4 – 5 lá thật thường bị bệnh chết rạp cây con do nấm Fusarium sp. gây nên.

Phòng trừ bằng cách xử lý đất bằng vôi trước khi trồng. Vào mùa mưa nên làm chân liếp cao, trồng thưa, thu gom tàn dư cây trồng đem huỷ. Không trồng tía tô trên cùng một chân đất.

Sâu ăn lá: Sử dụng các loại thuốc như Sherpe, Polytrin, Cyper,… để phun phòng trị.

Sử dụng Tất cả các loại thuốc nên tuân theo nguyên tắc “4 đúng”. Tía tô là rau gia vị nên cẩn thận trong việc sử dụng nông dược. Trước khi thu hoạch 2 tuần tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

2.8. Thu hoạch cây tía tô

Khi năng suất đợt sau giảm hơn đợt trước > 20% thì phá bỏ để gieo đợt khác hoặc trồng cây rau màu khác.

Thu hoạch làm rau gia vị: Sau khi trồng 25 – 30 ngày có thể thu hoạch. Nếu cắt tỉa ta thường dùng liềm hay dao sắc cắt cây cách mặt đất khoảng 10 cm, chừa lại 2 – 3 tầng lá để cây có thể đâm chồi cho đợt thu hoạch sau. Mỗi đợt cắt có thể thu 50 – 60 kg cho 100 m2 . Nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch nhiều đợt.

Thu hoạch làm thuốc: phơi khô, lấy lá, quả cất riêng, cây có thể rửa sạch đất, phơi khô, bó lại từng bó, để trong bao bì rồi bán làm thuốc cùng với hạt và lá.

Thu hoạch giống: Khi hạt chắc, lá già và khô dần, ta cắt cả cành hoặc nhổ cả cây về phơi trong mát, rũ lấy hạt, phơi lại vài nắng (nhưng tránh nắng to) cho khô hẳn, để nguội, trộn ít tro cho vào bình đậy kín để làm hạt giống.

Cành, cây thì phơi khô làm thuốc.