Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Kỹ thuật trồng cây khoai môn

1. Thời vụ

Khoai môn có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, vụ cho năng suất cao là vụ Đông xuân. Đối với các tỉnh miền Nam nên xuống giống từ tháng 10 – 12, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau.

2. Giống

Có 2 nhóm giống chính:

Nhóm khoai sọ (Colocasia antiquorum): Củ cái của nhóm này nhỏ nhưng nhiều củ con, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột, thích hợp để nấu ăn cả củ hoặc nấu canh.

Nhóm khoai môn (Colcasia esculenta): Khoai môn thường cho củ cái to từ 1,5 – 2 kg, ít củ con, chất lượng tốt, nhiều tinh bột. giống khoai môn nổi tiếng là giống ruột tím.

Nhân giống: Trước khi trồng 1 tháng nên chọn những củ nhánh nhỏ, đều nhau, đem giâm trong cát ẩm (nơi ít ánh sáng) cho mọc mầm rồi đem trồng ra ruộng

3. Chuẩn bị đất trồng – Trồng

Chọn đất tốt, tơi xốp, giàu mùn, cao ráo, dễ thoát nước để trồng. Đất được cày sâu, để ải ít nhất là 15 – 20 ngày rồi bừa kỹ, lên luống.

Luống trồng khoai môn: Luống đôi 1,2 – 1,4 m, luống đơn 60 cm, cao 50 – 60 cm.

Trên luống: cây cách cây 30 – 40 cm. Trồng thấp hơn mặt đất 3 – 4 cm.

4. Bón phân

Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau:

Phân chuồng hoai mục 2,5 tấn

Phân Urê 20 kg

Super lân 80 kg

Kali 20 kg

Bón lót: toàn bộ phân chuồng + 2/3 phân lân

– Bón thúc lần 1 khi cây được 3 lá:  ½ lượng phân đạm + 1/3 lượng kali kết hợp với làm cỏ và vun xới.

– Bón thúc lần 2: 60-70 ngày sau trồng với lượng phân đạm, lân còn lại + 1/3 kali

– Bón thúc lần 3: 150 ngày sau trồng với số phân kali còn lại kết hợp vun gốc cho cây làm củ.

Trước khi thu hoạch 1,5 – 2 tháng  hạn chế tưới nước và ngừng hẳn.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Khoai môn, khoai sọ ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên, các loài có thể gây hại trên cây chủ yếu như rệp, nhện đỏ và đặc biệt là bệnh thối củ. Do đó, trước khi trồng cần xử lý đất thật kỹ, phơi ải. Khi cây đã lên cao có thể tưới nước nhưng không để ngập mặt luống.

6. Thu hoạch

Khi thấy cây khoai đã héo lá, các tàu lá tàn, đất ở gốc đã nứt thì tiến hành dỡ khoai nhẹ nhàng, tránh xây xước, dập nát củ.