Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Kỹ thuật nuôi tôm vụ đông

Hình thức nuôi

Hiện có hai hình thức nuôi được đánh giá phổ biến và đem lại hiệu quả đó là: Nuôi theo kiểu đa cấp: Giai đoạn 1 được ương trong bể ương trong nhà với thời gian 20 – 30 ngày với mật độ 500 – 1.000 con/m2, sau khi tôm đạt cỡ 3 – 4 cm/con, được san ra ao thương phẩm với mật độ trung bình 100 con/m2, sau 2 tháng nuôi tôm đạt cỡ 50 – 60 con/kg tiến hành thu hoạch. Điển hình tại HTX Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Nuôi 1 cấp: Tôm nuôi trong nhà bạt cỡ PL12 – PL15, nuôi thời gian từ 3 – 4 tháng tiến hành thu hoạch, hộ ông Nguyễn Văn Khỏe (Phương Tân Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Dũng (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và hộ ông Đỗ Quang Bốn (Kiến Thụy, Thái Bình).

Nuôi tôm vụ đông trong nhà bạt có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chi phí đầu tư ban đầu (nhà bạt) lớn.. Còn nuôi tôm vụ đông không có mái che, không có nhà bạt thì rủi ro cao, do nhiệt độ mùa đông xuống thấp. Hình thức nuôi tôm trong nhà bạt đã được ứng dụng thành công tại đảo Hải Nam, Trung Quốc từ năm 2005. Mấy năm gần đây đã được áp dụng tại Việt Nam. Ưu điểm nuôi tôm trong nhà bạt tránh được thời tiết bất lợi như mưa và gió làm giảm pH, nhiệt độ, độ mặn và gây phân tầng nước trong ao nuôi tôm. Tránh được trời rét do nuôi tôm trong nhà bạt nhiệt độ cao hơn bên ngoài 5 – 150C, sản phẩm luôn chủ động, giá bán cao gấp 1,5 lần so với chính vụ.

Đối tượng nuôi tôm vụ đông thường là tôm thẻ chân trắng.

Bảng 1. Hiệu quả kinh tế/1 ha đối với nuôi chính vụ và nuôi vụ đông của 2 hộ thuộc 2 tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình (ĐVT: triệu đồng)

Kỹ thuật

Theo báo cáo các hộ nuôi tôm trong nhà bạt ông Nguyễn Văn Dũng (TP. Móng Cái, Quảng Ninh), ông Đỗ Quang Bốn (Kiến Thụy, Thái Bình) nuôi tôm vụ đông đã đem lại lợi nhuận rất lớn. Hộ ông Bốn với quy mô 2 ha nuôi trong nhà bạt năm 2013 – 2014, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chính vụ. Ông Dũng (TP Móng Cái, Quảng Ninh) năm 2014 mới tiến hành áp dụng trên quy mô 4 ha, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng hiệu quả cao hơn so với chính vụ. Các kỹ thuật được áp dụng như sau:

Chuẩn bị ao và nhà bạt

Ao có diện tích từ 1.000 – 3.000 m2, thiết kế hình vuông, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xiphong đáy. Do nuôi trong nhà bạt kín gió phải tăng cường hơn Hệ thống có sục khí đáy và quạt nước để đảm bảo hàm lượng oxy đầy đủ.

Xây dựng nhà bạt có hai loại: Hệ thống nhà bạt được xây dựng trên ao theo hình chóp nón, giữa ao có một trụ chính, xung quanh ao cắm trụ bê tông hoặc sắt cao khảng 20 cm so với mặt đất cách nhau khoảng 30 cm. Dây cáp sắt đường kính # 3mm, được căng xung quanh ao đảm bảo độ dốc 5%, trên được phủ bạt kính. Theo ông Bốn (Kiến Thụy, Thái Bình) việc xây dựng theo hình chóp nón có ưu điểm tránh được gió bão tốt hơn khi xây dựng theo hình ngôi nhà; Nhà bạt được xây dựng gồm 2 mái, có diện tích 1,2 ha, xà nhà được làm bằng ống kẽm có đường kính # 60, cột đường kính # 70, cao mái từ 3,5 – 4m, dây cáp bọc nhựa trên mái được móc vào các cột sắt được đóng xung quanh. Trên mái được phủ bạt kính và được đè dây cáp bọc nhựa lên trên. Theo anh Dũng (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) xây dựng nhà như trên có ưu điểm rẻ hơn nhà hình nón và dễ thao tác hơn.

Mùa vụ nuôi

Mùa vụ nuôi được các hộ nuôi tôm vụ đông tính toán thu hoạch trước tết để có giá cao.

– Thời gian thả giống từ tháng 8 – 10 âm lịch tức vào khoảng tháng 9 – 11 dương lịch.

Giống và thức ăn

Mật độ thả giống nuôi tôm vụ đông được các hộ thả nuôi cao hơn với chính vụ. Hộ nuôi tại Thái Bình, Quảng Ninh nuôi chính vụ chỉ 60 – 80 con nhưng nuôi tôm vụ đông đã tăng lên 100 – 120 con/m2. Giống TTCT được mua cơ sở được phép sản xuất theo quy định của Ngành thủy sản, khỏe mạnh, cỡ tổi thiểu PL12 trở lên, được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch, được xét nghiệm âm tính với các bệnh trong danh mục các bệnh bắt buộc do cơ quan chuyên môn cấp, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh.

Thức ăn tôm chân trắng được mua có nguồn gốc rõ ràng, yêu cầu tỷ lệ đạm 32 – 38%, lipit 4 – 6%, độ ẩm <11%. Được mua tại cơ sở có đăng ký kinh doanh, đảm bảo chất lượng theo quy định, tiêu chuẩn thức ăn thủy sản. Ngoài ra, bổ sung thêm khoáng, men, Vitamin C, E, dầu mực vào thức ăn cho tôm.

Quản lý môi trường ao nuôi

Đối với cơ sở nuôi của ông Bốn (Kiến Thụy, Thái Bình) sản xuất EM2 từ EM gốc. Cách làm như sau:

Nguyên liệu: 1 lít mật đường hoặc 1 kg đường đỏ; 1 lít EM gốc; 46 lít nước ngọt sạch khuẩn; 2 kg cám gạo hoặc bột ngô; 10 g muối ăn.

Cách tiến hành: cho vào thùng ủ kín 7 ngày.

Cách sử dụng: Chế phẩm EM2 được xử dụng định kỳ 3 – 7 ngày/lần tùy theo điều kiện màu nước ao nuôi để bón, liều lượng 50 lít EM2/1.000 m3 nước.

Đối với cơ sở nuôi ông Dũng (TP. Móng Cái, Quảng Ninh): Quản lý môi trường bằng công nghệ Nano định kỳ 7 ngày/lần, giữa hai lần dùng Nano sử dụng chế phẩm vi sinh.

Quản lý nước: Định kỳ 3 – 5 ngày tiến hành xi phông đáy sau cấp thêm nước vào ao nuôi.

Phòng, trị bệnh

Để tránh hiện tượng tôm sốc môi trường, nuôi tôm vụ đông ao chứa nước được xây dựng trong nhà bạt. Định kỳ dùng Iotdin phòng trị bệnh 20 ngày/lần vào những tháng đầu sau giảm 15 ngày/lần. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đánh giá tình hình nuôi

Theo Bảng 1: nuôi tôm vụ đông hộ ông Nguyễn Văn Dũng (TP Móng Cái, Quảng Ninh) lợi nhuận đạt 1.486,0 triệu đồng/ha gấp 1,6 lần so với nuôi chính vụ 901,5 triệu đồng/ha. Hộ ông Đỗ Quang Bốn (Kiến Thụy, Thái Bình) lợi nhuận đạt 1.582,0 triệu/ha đồng gấp gần 2 lần nuôi chính vụ 808,5 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá người nuôi tôm vụ đông có giá bán cao hơn chính vụ (từ 70.000 – 150.000 đồng/kg), môi trường nuôi ít bị ô nhiễm hơn, dịch bệnh ít xảy ra hơn, nuôi được 3 vụ/năm. Tuy nhiên, để nuôi tôm vụ đông đầu tư cao hơn để tránh nhiệt độ thấp, thời gian nuôi dài hơn, quản lý môi trường khó khăn hơn.

Tags: ky thuat nuoi tom vu dong, nuoi tom, nuoi trong thuy san, tom giong