Đậu Hà Lan có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, từ đất cát nhẹ nhiều mùn đến đất sét nặng. Tuy nhiên, quy trình và kỹ thuật bón phân trong quá trình gieo trồng mới là yếu tố quan trọng quyết định năng suất của đậu Hà Lan.
Bón phân khoa học là yếu tố quyết định năng suất của đậu Hà Lan. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ báo Dân Việt, lượng phân bón cho 1ha gieo trồng như sau: 5 – 20 tấn phân chuồng hoai mục, 90 – 100kg N, 60 – 90kg P2O5, 100 – 120kg K2O. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/3 lượng kali. Cho phân vào rãnh trộn đều với đất ở độ sâu 15 – 20cm. Khi gieo hạt vào mùa khô có thể bón lót khoảng 1/4 tổng lượng đạm.
Bón thúc từ 2 – 3 lần tùy theo tình hình sinh trưởng của cây. Bón thúc lần thứ nhất sau khi cây mọc khoảng 15 ngày, lần thứ 2 sau khi mọc 25 – 30 ngày, lần thứ 3 khi cây ra hoa rộ và quả non. Có thể bón ở thể dung dịch hoặc bón dưới dạng khô, viên.
Chia đều lượng phân còn lại cho số lần bón thúc, cũng có thể ở thời kỳ đầu khối lượng phân bón ít hơn một chút so với những thời kỳ sau. Nên hòa tan phân đạm (vô cơ) trong nước với nồng độ 1 – 2% để tưới vào gốc. Nếu bón phân ở dạng khô, dùng dầm (xén), que đào hốc sâu 5 – 7cm giữa 2 cây, sau đó bón phân đạm rồi lấp đất.
Sau khi bón phân cần tưới nước kịp thời để hoà tan phân bón, thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ dung dịch trong đất cao làm ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ. Mỗi hốc chỉ nên bón 2 – 3g phân đạm. Khi bón phân lân cần chú ý đến mục đích sử dụng. Nếu trồng đậu Hà Lan để sử dụng quả non thì bón lượng lân vừa phải, nếu sản xuất hạt giống hoặc trồng để sử dụng hạt khô thì cần tăng cường bón lân.
Bên cạnh đó, nông dân cần chú ý xới vun, sau khi cây mọc từ 10 – 15 ngày cần tiến hành xới phá váng làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, tạo điều kiện cho hệ rễ phát triển tốt. Sau khi xới lần thứ nhất 10 – 15 ngày, thì xới nhẹ, nông, hẹp xung quanh gốc, nạo vét đất ở rãnh vun vào gốc cây.
Tưới nước sau khi gieo hạt đến khi cây mọc lên khỏi mặt đất, nếu đất thiếu ẩm cần cung cấp nước cho hạt nảy mầm.Khi cây trưởng thành cần bảo đảm độ ẩm đất 70 – 80%, thời kỳ ra hoa, quả phải cung cấp đầy đủ nước cho cây, thiếu nước ở thời kỳ này sẽ làm giảm năng suất, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin KH & CN Thành Phố Hải Phòng.
Thiếu nước ở thời kỳ trưởng thành sẽ làm giảm năng suất đậu Hà Lan.
Thời kỳ đầu, sau khi gieo hạt dùng thùng hoặc ống dẫn nước có gương sen tưới phun đều trên mặt đất. Khi cây mọc lên khỏi mặt đất có thể sử dụng phương pháp tưới rãnh, dùng gầu, máy bơm nước, đưa vào rãnh ngập 1/2 so với độ cao luống. Khi nước thấm đều trên đồng ruộng thì tháo cạn.
Đối với những giống đậu leo bò, cây cao, nhất thiết phải làm dàn, nếu không làm dàn năng suất sẽ bị giảm nghiêm trọng. Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn cần kịp thời làm dàn để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và bò leo hướng lên đỉnh dàn (nóc dàn). Làm dàn muộn, tua cuốn phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng quang hợp của bộ lá do thân lá che khuất lẫn nhau, làm giảm khả năng tiếp xúc của cây đối với ánh sáng mặt trời, giảm độ thông thoáng,… Do đó dẫn đến năng suất thấp.