Trong những năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, thực tế phát triển cây cà phê ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết. Một trong những vấn đề đó là các vườn cà phê già cỗi, suy kiệt, sinh trưởng kém, năng suất thấp và không còn khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo đang đe doạ chính sự phát triển bền vững của cây cà phê.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng như hộ gia đình trồng cà phê ở Tây Nguyên đã áp dụng biện pháp tái canh. Đặc biệt, trung tuần tháng 11 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn “Tái canh và phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên”. Chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm tái canh cà phê đạt hiệu quả của Công ty cà phê Ia Grai, tỉnh Gia Lai để bạn đọc tham khảo.
1. Làm đất:
Xác định cải tạo đất là khâu mấu chốt, quyết định tương lai của cây cà phê tái canh, Công ty đã tiến hành:
– Dùng máy dật nhổ tất cả các cây trong lô cần tái canh;
– Lấy hết các tàn dư như thân, cành, lá, rễ của cây ra khỏi lô;
– Dùng máy cày chảo cày và cào hết rễ cà phê còn sót lại;
– Khuyến khích, hỗ trợ công nhân trồng cây đậu đỗ để cải tạo đất trong vài năm;
– Đào hố trồng ngay từ tháng 1 – 2, hố đào không trùng với vị trí trồng trước, hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 3,5 m (951 cây/ha); sử dụng máy xúc đào hố sâu 1 m, rộng 0,8m. Tuyết đối không dùng máy khoan hố vì dùng máy khoan sẽ làm thành hố bị nén chặt, rễ cây khó phát triển. Phơi hố và đất 1-2 tháng;
– Sang tháng 4 khi bắt đầu có mưa, dùng vỏ cà phê đã ủ đổ xuống hố cùng với lớp đất mặt. Mỗi hố bón 0,2kg lân, 2 kg phân vi sinh và chế phẩm Trichodemar đảo đều rồi xả thành hố xuống để ủ, chờ mưa đủ ẩm thì trồng.
– Trước khi trồng phun thuốc khử tuyến trùng, khử nấm bệnh cho đất.
2. Chọn giống:
Tiến hành chọn các loại giống có năng suất cao, phẩm chất tốt trong vườn và mua giống tại Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Khi ươm giống, dùng bầu cỡ lớn 25 x 13 để rễ cọc không chạm đáy bầu, khi hạt đội đất là cấy cây con vào bầu, không để cây có lá sò mới cấy.
3. Tiến hành trồng:
Trồng cây con từ khi cây có 4 cặp lá theo phương pháp trồng đôi, lúc này rễ chưa chạm đáy bầu nên cắt đáy bầu để trồng không bị đứt rễ cọc. Khi trồng chỉ xé đáy bầu và rút bầu lên ngập lá sò, sau 2 – 3 tháng mới đi rút hết túi bầu. Cách làm này tránh được dế tấn công vào các rễ tơ. Khi trồng, không đặt cây con sát đáy hố mà đặt cách đáy 0,2 – 0,3 m. Song song với trồng cây cà phê, tiến hành trồng cây che bóng tạm thời, cứ 3 hàng cà phê thì trồng 1 hàng muồng hoa vàng.
4. Đầu tư chăm sóc:
Bón phân nhiều lần trong năm, bón đa dạng các loại phân, đặc biệt chú trọng phân vi sinh. Với phân vô cơ thì dùng phân đơn bón theo từng thời điểm cây cần N,P,K mà không bón kết hợp cùng một lúc. Dùng vỏ cà phê xay ra, ủ hoai mục thay phân bò vì phân bò dễ bị phân giải và nhiều cỏ.
Mở rộng bồn theo tán cây để rễ cây phát triển theo nhiều hướng, làm ngay năm trồng đầu tiên để đất tơi xốp, tạo điều kiện cho rễ phát triển. Tăng cường sử dụng các chế phẩm diệt nấm, côn trùng tiềm ẩn trong đất để phòng ngừa.
5. Phương pháp che chắn gió:
Khuyến khích công nhân trồng xen, trồng cây che bóng trong vườn cà phê như sầu riêng, bơ vừa che bóng vừa cho thu nhập.
6. Phương pháp tưới và thu hái:
Kiểm tra vườn cà phê đến đỉnh điểm phát dục của hoa mới tiến hành tưới đợt 1, tưới dứt điểm, tập trung nên cây cho thu hoạch một lần trong năm. Khi cà phê chín, hái ngay không để cà phê nằm đợi làm cây kiệt sức