Chọn các giống cà chua có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn cao như: P/S BM 199 (xuất xứ từ Hoa Kỳ); VN- PT 18; Nông Hữu -209; Kim Cương số 2; C 155,…
Hạt cà tím, cà chua ngâm dung dịch thuốc bảo vệ thực vật để khử trùng. Làm đất với tỷ lệ 60 -70% đất phù sa, bùn ao hoặc đất thịt nhẹ giàu mùn phơi ải, đập nhỏ + 30-40% phân chuồng ủ hoai mục + supe lân (khoảng 5%). Hạt cà tím gieo trước hạt cà chua 4-5 ngày. Khi cà chua và cà tím gieo được 15-20 ngày, có 3-4 lá thật thì tiến hành ghép.
Thao tác ghép: Dùng dao lam đã khử trùng qua cồn, cắt vát thân cà tím phía trên hai lá mầm và cắt vát thân cà chua phía dưới hai lá thật, dùng ống chun cao su loại nhỏ (đường kính 2-3mm), dài 2cm để gắn chặt hai đoạn nối với nhau cho thật kín.
Chăm sóc: Ghép xong cần che mát 70% ánh sáng trực tiếp bằng lưới nylon màu đen, đồng thời che mưa trong 10 ngày. Khi cây ghép đã liền sẹo, dùng dao lam cắt bỏ dây chun cao su để cây phát triển bình thường, mang ra nơi có nhiều ánh sáng. Tiếp tục chăm sóc đến khi cây ghép có 4-6 lá thật, cao 25-30cm là đủ tiêu chuẩn đem trồng ra ruộng sản xuất.
Để đảm bảo ruộng cà chua đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bà con cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
Bón vôi cải tạo đất trước khi trồng 7-10 ngày với lượng 20-25kg vôi bột/sào (trước khi làm đất). Tuyệt đối không bón phân chuồng tươi, tưới nước phân tươi cho cà chua, chỉ bón phân chuồng hoai mục và các loại phân bón mới như PTS-9, NEB-26, Vườn sinh thái kết hợp với NPK có hàm lượng đạm, lân, kali cân đối.
Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật mới phòng bệnh cho cà chua: Ditacin 8L phòng bệnh héo xanh; Aliette 80WWG hoặc Ridomin gold 68WWG phòng bệnh sương mai, héo vàng. Phun định kỳ Actara 25WG hoặc Oshin 20WG trừ bọ phấn.