Một cách hình tượng, có thể coi cuống mắt của tôm cùng với một vài cấu trúc nội tiết khác như một hệ thống điều tiết nước chảy từ một hồ chứa. Việc cắt cuống mắt tương tự như phá đập để lấy nước.
Lúc đầu thì nước chảy ồ ạt nhưng mức nước ở hồ sụt nhanh và mất khả năng điều tiết. Tôm cái bị cắt cuống mắt chỉ đẻ 3 -5 lần và đời sống sinh sản của nó chấm dứt ở đó. Tôm cái trong tự nhiên hẳn là không bị cắt cuống mắt và có thể đẻ nhiều lần hơn trong một khoảng thời gian dài, cho ra nhiều tôm con hơn. Một thí nghiệm gần đây trên loài tôm he chân trắng, là loài đến nay vẫn được cắt cuống mắt để kích thích sinh sản cho thấy, có thể kích thích đẻ mà không cần cắt cuống mắt.
Người ta tiêm Serotonin cho tôm cái và tỷ lệ tôm đẻ lần đầu là 35,4%, gấp 6 lần đối chứng. Tỷ lệ tôm đẻ tiếp trong lần hai là 6,7. Tính chung số tôm đẻ do được kích thích bằng serotonin gấp 7 lần so với đối chứng.
Tất nhiên là tỷ lệ tôm đẻ nhờ tiêm serotonin là thấp hơn tỷ lệ tôm đẻ do được cắt cuống mắt. Nhưng sau những lần đẻ dồn dập do được cắt cuống mắt thì những tôm như thế không thể tiếp tục được dùng để SX giống nữa. Trong khi ấy, chắc chắn những tôm đã đẻ nhờ serotonin vẫn có thể tiếp tục sinh sản vì không bị những tổn thương bất khả hồi. Kết quả nghiên cứu này rất khích lệ vì nhờ thế người ta có thể kéo dài được tuổi thọ sinh sản của tôm một cách đáng kể.