Vào thời điểm cuối tháng 3 này, đại đa số các vườn bưởi Diễn của huyện Đan Phượng, Hà Nội và các nơi trong vùng lộc lá đã xanh, hoa đã rụng hết nhưng hầu như không có quả hoặc có nhưng rất ít, báo hiệu lại một năm mất mùa bưởi Diễn.
Năm 2006, trận mưa đá bất ngờ vào ngày 20/11 đã làm cho nhiều gia đình mất trắng vườn bưởi, thậm chí có hộ đã cầm tiền đặt cọc của người mua nhưng do bưởi rụng hết phải trả lại, mất hàng trăm triệu đồng. Năm 2007, do ảnh hưởng của trận mưa đá năm trước, cây bị tàn phá nặng nề cho nên chưa phục hồi và không ra hoa, đậu quả. Năm 2008, đầu năm do đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài trên một tháng qua Lập xuân nên bưởi các vườn đã không ra hoa, hoặc ra hoa nhưng không đậu quả.
Một số vườn có quả thì cuối tháng 10, đợt mưa úng lịch sử, nước ngập cả tháng trời, lại bị rụng hết, thật là “hoạ vô đơn chí”. Năm nay, thời tiết đầu năm tưởng như rất thuận, cây bưởi đã nhiều năm không có quả, cây khoẻ, tốt tươi, hoa trĩu cành nhưng đến nay hoa, quả rụng sạch. Như vậy nhiều vườn bưởi Diễn của Đan Phượng, đã bốn năm liên tục mất mùa.
Theo một số nhà vườn có kinh nghiệm trồng bưởi Diễn thì năm nay, do diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, như nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện bất thường khác làm xáo trộn sinh lý bình thường của cây bưởi, cho nên mặc dù bưởi ra hoa rất nhiều, nhưng cơ bản là hoa chùm tại các cành (gọi là hoa bỏng), hoa nhỏ như hoa chanh. Loại hoa này hầu như rụng hết và không thể đậu quả, dù gặp thời tiết thuận lợi. Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thời gian bưởi ra hoa rộ, lại gặp phải thời tiết mưa phùn, trời âm u, ẩm thấp kéo dài, không có nắng, rất bất thuận cho việc thụ phấn của hoa bưởi.
Mặt khác, kèm theo mưa phùn kéo dài là trận sương muối, mưa muối, khiến hoa, quả nhỏ, lá non bị rụng rất nhiều. Ngày 13/3, đợt gió mùa đông bắc kèm đợt gió lốc giật như cú đấm nốc ao của thời tiết vào các vườn bưởi, kết thúc trắng một mùa bưởi Diễn. Nhiều hộ gia đình, kể từ ngày trồng bưởi đến nay đã qua 8 năm chưa thu được đồng nào (bốn năm trồng cây mới bói quả, cộng thêm 4 năm mất mùa liên tiếp), quả là thiệt hại không nhỏ khi mà họ đã chuyển đổi hết đất sản xuất sang trồng bưởi Diễn! Có gia đình chán nản, đã chặt bưởi để trồng cây khác, vòng luẩn quẩn trồng – chặt lại xuất hiện.
Đứng trước thực trạng mất mùa liên tiếp trên cây bưởi Diễn, căn cứ vào thực tế và kinh nghiệm của các hộ trồng bưởi Diễn lâu năm, Trạm Khuyến nông Đan Phượng đã có tuyên truyền, khuyến cáo tới các hộ trồng bưởi Diễn trong vùng. Tuy vườn bưởi đến nay không có quả, coi như đã mất mùa bưởi năm nay, nhưng thời gian còn lại trong năm cần tích cực chăm sóc, dưỡng cây cho vụ bưởi năm 2010. Cây bưởi Diễn yêu cầu chăm sóc tương đối nghiêm ngặt vì chúng dễ nhiễm các loại sâu bệnh, nếu không phòng trừ tốt, nguy cơ tiếp tục mất mùa của năm sau là rất cao. Vì vậy các nhà vườn cần chú ý một số biện pháp sau:
1/ Cắt tỉa cành, tạo tán: Một trong những yếu điểm của các nhà vườn trồng bưởi Diễn trong nhiều năm qua là mật độ trồng quá dày, cây năm thứ 5, thứ 6 đã chạm tán, năm thứ 8, thứ 9 đã đan cành vào nhau, tạo nên sự cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng quyết liệt, ảnh hưởng đến năng suất của cây. Hầu hết các cây này có nhiều cành tăm, cành vượt, cành vô hiệu không thể có quả. Các nhà vườn nên có kế hoạch cắt tỉa các cành này tạo sự thông thoáng cho cây.
Nếu vườn dày quá có thể nhân cơ hội này, loại bỏ những cây không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, các cây còi cọc, mắc bệnh, đốn tỉa tạo tán, loại bỏ toàn bộ các cành tăm, cành vượt, cành mắc bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, giảm sâu bệnh, đảm bảo cho các cây không đan cành vào nhau. Đây là biện pháp hết sức quan trọng để tạo cho cây bưởi khoẻ, có môi trường tốt để sinh trưởng phát triển, tích luỹ dinh dưỡng cho kỳ ra hoa đậu quả năm sau.
2/ Phòng trừ sâu bệnh: Cây bưởi Diễn là cây dễ nhiễm các loại sâu bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, xì mủ chảy gôm, loét, v.v. Nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, nhất là chán nản do không có thu hoạch, thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây bưởi trong năm tới. Tích cực áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây bưởi, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải đảm bảo 4 đúng: đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng, vừa đạt hiệu quả cao trong phòng trừ và giảm chi phí đầu tư.
3/ Chăm bón hợp lý: Do cây bưởi năm nay không mang quả, việc bón cho cây cũng nên chú ý, nên bón vừa phải, cân đối, chú ý tăng lượng kali, lân, không để cây quá tốt, thừa đạm vừa tốn kém, vừa ộp quả, quả quá to cho vụ tới.
4/ Thử nghiệm phương thức ghép quả: Bà con nông dân có thể thử nghiệm phương pháp ghép quả. Năm 2008 đã xuất hiện kỹ thuật ghép quả bưởi tại vườn bưởi anh Hải, ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội (trước trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội). Lấy quả bưởi ở những cây bưởi sai quả, to bằng quả ổi, nắm tay, với phương pháp ghép đoạn, ghép vào cây bưởi không có quả. Phương pháp này thường áp dụng ghép cho cây bưởi Diễn cảnh trồng trong chậu để bán Tết.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên, cây bưởi sẽ khoẻ mạnh, sạch bệnh, tích luỹ dinh dưỡng hồi phục cho cây, sẽ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt, ra hoa, đậu quả cho vụ bưởi năm sau.
Cây bưởi Diễn đã và đang là cây có hiệu quả kinh tế, được nông dân nhiều địa phương đưa vào trồng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây bưởi Diễn cũng đã xuất hiện những yếu tố mới bất thường như các vấn đề ra hoa, đậu quả, bệnh tật phát sinh. Đề nghị các nhà khoa học sớm có nghiên cứu toàn diện về loại cây ăn quả này, giúp cho nông dân phát huy được những ưu điểm, khắc phục tối đa những mặt hạn chế của cây bưởi Diễn để cho năng suất và chất lượng cao nhất.