Giống KM-1 có thể trồng được cả ở những chân ruộng trũng, lầy thụt hoặc trên những ruộng cạn ở những nơi đủ nước tưới. Củ và dọc lá có hàm lượng đạm cao, đạt trên 8% tổng số chất khô, thành phần chất khô đạt trên dưới 40%, thích hợp dùng làm nguyên liệu cho chế biến hoặc làm thức ăn trực tiếp cho gia súc, gia cầm (chủ yếu lợn và gia cầm).
Hướng dẫn qui trình trồng, chăm sóc
– Chọn giống: Chọn những cây khoai tốt, không bị sâu bệnh để làm giống. Gốc hom được cắt từ nách lá (sẹo lá) thứ 3 từ trên xuống, cắt bỏ các dọc lá ở phía trên, chỉ để lại phần dọc dài 25-30cm.
– Thời vụ trồng: Khoai môn là loại cây nhiệt đới nên có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên thích hợp và cho năng suất cao nhất ở vụ đông xuân. Với các tỉnh phía Nam nên xuống giống từ tháng 10-12, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau. Với các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, khoai môn KM-1 có thể trồng quanh năm, nhưng vụ xuân là thích hợp nhất, cho năng suất cao nhất (trồng tháng 2-3, thu hoạch tháng 11-12 dương lịch).
– Chọn và làm đất: KM-1 có thể trồng được trên nhiều loại đất, từ đất vàn đến đất trũng nhưng cần chủ động nguồn để tưới. Tùy thuộc tình hình đất đai, có 2 cách trồng: nếu trồng trên đất cạn, cần cày sâu bừa kỹ, làm nhỏ đất để trồng như với nhiều loại cây trồng khác, tưới nước đủ ẩm sau khi trồng. Với ruộng ngập nước, cần cày sâu 12-15cm, bừa kỹ, san phẳng mặt ruộng và nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1-1,2m, cao 5-10cm. Đất lưu bùn cần được đánh luống cao để khoai không bị ngập úng lâu.
– Cách trồng: Mỗi luống trồng 2 hàng cách nhau 35-45cm, cây cách cây 25-30cm (đất tốt trồng thưa hơn, 6 cây/m2; đất xấu trồng dày hơn, 7 cây/m2). Khi cây đã bén rễ, tiến hành rút hết nước, chỉ để ruộng đủ ẩm.
– Phân bón: Khoai môn KM-1 là giống cây chịu thâm canh nên cần lượng phân bón nhiều, đặc biệt là nên sử dụng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ được ủ hoai mục để bón lót trước khi trồng. Trước tình trạng thiếu nguồn phân chuồng như hiện nay thì kinh nghiệm dùng rơm rạ để thay thế của bà con nông dân Nam Định là giải pháp tích cực cần được phổ biến và nhân rộng.
Lượng phân bón được tính cho 1 sào Bắc bộ bao gồm: 500kg phân chuồng hoai mục (hoặc 1 tấn rơm rạ khô; có thể dùng 3kg rơm rạ khô hay 2,5kg trấu thay cho 1kg phân chuồng) + 40kg NPK tổng hợp (5:10:3) + 7kg phân đạm urê + 15-20kg vôi bột. Bón lót toàn bộ phân chuồng + 20kg NPK, 2 kg urê; trồng xong phủ lên mặt luống 500kg rơm rạ. Bón thúc đợt 1 sau khi trồng 20-25 ngày 2,5kg đạm urê. Thúc đợt 2 sau trồng 50-60 ngày 2,5kg đạm urê; thúc đợt 3 sau trồng 100-120 ngày 20kg NPK và phủ tiếp lên mặt luống 500kg rơm rạ.
– Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên theo dõi, phát hiện để có biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại như: sâu khoang, nhện đỏ hại chồi non, hại lá; bệnh héo cây do vi khuẩn, bệnh cháy lá do nấm…
– Thu hoạch: Có thể tỉa bớt dọc và lá làm thức ăn cho gia súc trong quá trình cây sinh trưởng mạnh. Khi thấy 2/3 lá chuyển vàng và rũ xuống thì tiến hành thu hoạch củ. Giữ khô mặt ruộng trước khi thu hoạch 20 ngày vừa dễ thu hoạch, vừa tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Phân loại củ để có cách sử dụng hợp lý: lấy hom làm giống cho vụ sau.