Tía tô được trồng phổ biến ở khắp nơi làm rau gia vị cũng như chữa nhiều bệnh vặt trong gia đình nhờ dược tính của nó. Tía tô có vị cay tính ấm, trị đau nặng đầu, sưng họng, buồn nôn do lạnh. Để trị bệnh cảm cúm, mẹ lấy lá tía tô , hành tươi thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bé ăn. Kỹ thuật trồng tía tô rất dễ mà lại nhanh lớn nên các bà nội trợ hoàn toàn có thể tận dụng một chậu đất nho nhỏ trồng cây gia vị chữa bệnh vặt cho trẻ.
Chuẩn bị
Trồng trong chậu nên để đấy chậu cách mặt đất 2 phần để thóat nước tốt. Để quá trình chăm sóc được dễ dàng nên chọn đất sạch, đất dinh dưỡng Fusa để cây không bị sâu bệnh và không phải bổ sung thêm phân bón.
Ươm hạt
Chọn hạt giống có chất lượng tốt rồi ngâm vào nước ấm khoảng 40oC – 50oC trong vòng 1 giờ. Sau khi vớt hạt ra, ủ vào bông ẩm và để vào chỗ tối cho đến khi thấy nứt nanh. Gieo đều hạt trên bề mặt rồi phủ một lớp đất mỏng 0,5cm lên trên. Tưới nước giữ ẩm liên tục từ 7-10 ngày thì hạt nảy mầm.
Chăm sóc
Khi cây cao khoảng 10cm thì tỉa bớt cây yếu, thấp. Chất dinh dưỡng và nước sẽ tập trung nuôi cây cao và khỏe mạnh. Khi cây cao khoảng 20cm thì bấm ngọn để cây ra nhiều nhánh và lá. Một chậu tía tô phát triển tốt sẽ cho lá liên tục.
Thu hoạch
Sau gieo hạt 60-70 ngày là có thể thu hoạch. Cắt phần lá ở phía trên, chừa gốc 10 cm, sau đó tiếp tục chăm sóc, bón phân như trên. Cứ sau 15-20 ngày là gia đình lại có thể thu hoạch 1 lần. Tía tô rất dễ trồng chỉ cần tưới nước vo gạo hàng ngày là cây sẽ cho lá quanh năm.
Tác dung
Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa. Cành tía tô có vị cay ngọt, có tác dụng an thai, chống nôn mửa, giảm đau, hen suyễn. Ngoài ra, với giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P… tía tô có tác dụng đẹp da.
Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM cho biết, tía tô tốt cho phế quản, phổi. Theo Đông y, phổi tốt sẽ giúp thần sắc tươi tắn, da hồng hào. Chính vì thế, nhiều người đã dùng tía tô như một phương thuốc làm đẹp da ít tốn kém, nhưng hiệu quả.