Khoai lang là cây truyền thống được bà con đưa vào trồng bởi quy trình trồng không khó, phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá. Những năm gần đây, cây khoai lang đang được coi là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông.
Mô hình trồng khoai lang Nhật thay cho sản xuất lúa vụ đông ở xã Văn Phú (Nho Quan) do Hội nông dân kết hợp với Viện cây lương thực bước đầu đã mang lại lợi nhuận kinh tế trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con nông dân vùng có tỷ lệ nghèo cao.
Giúp bà con nông dân có thu nhập cao, góp phần tích cực vào giảm nghèo, vụ đông 2009, Hội nông dân tỉnh kết hợp với Viện cây lương thực và huyện Nho Quan xây dựng mô hình sản xuất giống khoai lang Nhật ở xã Văn Phú. Mục đích của mô hình là giúp bà con nông dân vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao lựa chọn cây trồng phù hợp, khắc phục khó khăn do đồng đất khô cằn, bạc màu để canh tác cho hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.
Khoai lang Nhật có ưu điểm vượt trội so với giống khoai lang địa phương là có thể trồng ở bất cứ địa hình canh tác, chất lượng củ khoai dẻo, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi triển khai mô hình, Hội nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Vì đây là cây trồng quen thuộc nên sau khi được tập huấn, hầu hết các hộ gia đình đều thực hiện tốt quy trình trồng, chăm sóc khoai. Có trên 70 hộ hội viên tham gia mô hình với diện tích 5 ha.
Qua kiểm tra, đánh giá, giống khoai lang Nhật Bản năng suất củ đạt 14-20 tấn/ha, bình quân đạt 16 tấn/ha, cao hơn so với giống địa phương trên 10 tấn/ha. Giá khoai lang hiện tại là 4-5ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng/ha. Trồng khoai lang Nhật Bản tuy có đầu tư cao hơn so với trồng khoai lang địa phương, nhưng tổng thu từ trồng khoai lang Nhật Bản cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với khoai lang thường, so với các cây trồng khác như ngô, đậu tương cũng tăng gấp 2 lần.
Nông dân Kỳ Phú thu hoạch khoai lang Nhật.
Hiện nay, khoai lang Nhật được thu hoạch đến đâu tiêu thụ ngay đến đó. Ngoài thu nhập từ củ, các sản phẩm phụ như: gốc, dây, củ nhỏ đều được tận dụng cho chăn nuôi gia súc. Bà con nông dân rất phấn khởi. Ông Phạm Văn Khoan, nông dân xã Văn Phú cho biết: Cây khoai lang đã được bà con nông dân đưa vào từ lâu, quy trình trồng, chăm sóc rất đơn giản nên phù hợp với trình độ của bà con nông dân, cây khoai lang Nhật lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ tiêu thụ.
Mô hình trồng khoai lang Nhật trên địa bàn xã Văn Phú đã mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các cây màu khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đặc biệt, lợi thế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế lúa vụ ba ở vùng còn khó khăn trong sản xuất lúa như Văn Phú là hết sức cần thiết, vừa khắc phục được khó khăn do địa hình canh tác phức tạp, vừa cho thu nhập cao.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình còn giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học – công nghệ, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian tới, Hội nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình trồng khoai lang Nhật và trồng thêm khoai lang bản địa Hoàng Long giúp nông dân xoá nghèo, vươn lên ổn định đời sống.
Ông Phạm Văn Việng, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh cho biết: Đây là mô hình khá thành công, không chỉ tạo ra hướng đi mới trong trồng trọt mà còn giúp cho nông dân vùng còn khó khăn như Văn Phú, điều kiện đồng đất canh tác phức tạp, không chủ động nướ tưới tiêu, mà hướng tới mở rộng mô hình tới nhiều địa phương trong tỉnh.
Ngoài việc tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên, Hội nông dân còn cấp giống cho Hội nông dân các cấp, từ đó nhân giống cho hội viên trong tỉnh. Vụ xuân 2010, cùng với các cấp, các ngành, Hội nông dân tỉnh tiếp tục mở rộng hàng chục ha ở 1 số xã trên địa bàn huyện Nho Quan để khảo nghiệm, đánh giá tình thích nghi của khoai lang Nhật ở vụ xuân và nhân rộng trong những vụ tiếp theo.