Giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1 (Phố Hiến muộn)
1. Nguồn gốc
Giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1 được Viện Nghiên cứu Rau quả phát hiện tại xã Hàm Tử, Châu Giang, Hưng Yên và thực hiện khảo nghiệm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An từ năm 2000.
2. Đặc điểm của giống
– Về lá: Số lá chét khoảng 9,5 lá; dài lá chét 17,5 cm; chiều rộng lá chét 3,8 – 4,0 cm; phiến lá to màu xanh nhạt, hơi mỏng, ít bóng và phẳng.
– Thời gian ra hoa đậu quả: nở hoa từ 1/3 đến 5/4, thời gian thu hoạch tập trung từ 25/8 đến 1/9, thuộc vào nhóm chín muộn.
– Về quả: quả tròn có màu vàng sáng, vỏ dày, có nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, khối lượng quả 11,5 – 11,8 g/quả; tỷ lệ cùi/quả đạt trên 70%. Chỉ tiêu này cho thấy giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1 thuộc loại quả to, tỷ lệ cùi/quả rất cao (cây mẹ đến 74,8%).
– Cây nhãn chín muộn PH-M99-1.1 trồng khảo nghiệm ở năm thứ 4 đạt năng suất 8 – 10kg/cây, cao hơn 60 – 100% so với giống địa phương. Khối lượng quả và tỷ lệ cùi/quả sai khác không đáng kể so với quả của cây mẹ.
– Chất lượng quả: ăn ngọt đậm, ít thơm, đường tổng số 15 – 18%, độ Brix 18 – 20%. Các chỉ số này nói lên chất lượng của giống nhãn này khá cao. Tuy vậy ở các điểm khảo nghiệm khác nhau các chỉ số chất lượng quả khác nhau và thực tế phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện chăm sóc, phân bón, tưới nước,… Chất lượng quả trên cây mẹ tại Hưng Yên luôn cao hơn các nơi khảo nghiệm khác, thể hiện tính chất khác biệt của vùng tạo nên hàng hoá đặc sản.
– Tính toán bước đầu hiệu quả kinh tế của nhãn chín muộn PH-M99-1.1 cho thấy nhãn chín muộn PH-M99-1.1 ở tuổi 4 với mật độ 500 cây/ha cho năng suất quả 4,5 tấn/ha, tổng thu 36 triệu đồng/ha và thu lãi 18 triệu đồng/ha (giống đại trà năng suất 2,5 tấn/ha, tổng thu 12,5 triệu đồng/ha và lỗ 5,5 triệu đồng/ha).