Ngành Điều Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm, nay đang có chiều hướng vươn lên mạnh hơn, khởi sắc hơn. Những nông hộ trồng điều đang tìm kiếm các biện pháp kỹ thuật để gia tăng năng suất nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Để có được 1 giống điều tốt phải trải qua ít nhất khoảng 25 – 30 năm và cần được đầu tư thích đáng.
Những trở ngại chính trong thời gian qua làm cho người trồng điều không mấy phấn khởi để đầu tư cho sản xuất là giá cả thấp và bấp bênh, sản xuất không có lời…
Nhưng nguyên nhân dẫn đến trở ngại này lại có nhiều. Ví dụ, thiếu giống điều có năng suất cao nên trên 85% giống điều trồng trong sản xuất bà con phải sử dụng giống điều thực sinh, tuổi cây của nhiều vườn lại quá già cỗi, trồng quảng canh, có khi chỉ trồng để với mục đích giữ đất là chính.
Cây điều phần lớn được trồng trên loại đất kém thích hợp vì bị các cây khác như tiêu, cà phê, sắn, bắp… cạnh tranh. Những năm giá cao su hấp dẫn lại bị cả cao su cạnh tranh. Do năng suất thấp, nên giá thành cao, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở ngoài nước giá rẻ, tiện lợi hơn để mua. Cũng do vậy nên chưa có mối quan hệ khăng khít giữa doanh nghiệp với người sản xuất dẫn đến ngành điều lâm vào tình trạng như vậy. Doanh nghiệp kinh doanh điều muốn phát triển ổn định và có hiệu quả cao cần phải có vùng nguyên liệu bền vững.
Trong lúc nguyên liệu ở các nước có sẵn, dễ nhập, giá hợp lý nên doanh nghiệp đã coi nhẹ lĩnh vực chăm sóc vùng nguyên liệu trong nước. Người trồng điều phải “tự bơi”. Và trong số hàng trăm ngàn hộ trồng điều bao phủ trên 350.000ha điều cả nước, thực tế đã có nông dân biết bơi và bơi giỏi nên năng suất điều các hộ này đã đạt từ 3 – 5 tấn/ha, làm ăn có lời.
Về phía lĩnh vực nghiên cứu, kinh nghiệm của các nhà chọn giống điều cho biết, để có được 1 giống điều tốt phải trải qua ít nhất khoảng 25 – 30 năm và cần được đầu tư thích đáng.
Trong khi ở nước ta, mãi đến năm 2013 cũng chỉ mới có một phòng nghiên cứu 2 cây tiêu và điều của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam mà nhân lực và trang thiết bị cũng như tiền vốn hầu như không được đầu tư ở mức tối thiểu. Dù như vậy đơn vị này đã có những đóng góp đáng khích lệ.
Năm 2014, từ cơ sở là phòng nghiên cứu 2 cây nói trên, nay đã thành lập được Trung tâm Nghiên cứu cây điều thuộc Viện. Trung tâm đã trình làng 2 giống điều AB05-08 và AB29. Cả 2 giống đều có nhiều đặc điểm nổi trội, được Hội đồng Khoa học cấp cơ sở đánh giá cao, đang được Bộ NN-PTNT xét công nhận cho sản xuất thử. Dưới đây là một số đặc điểm chính.
I – Giống điều AB05-08: Đây là giống được sưu tập và nhập nội trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất điều cho Công ty AGROSTAR (Campuchia) của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam thực hiện từ năm 2001 – 2011. Giống điều AB05-08 được phát hiện từ năm 2003, được đánh giá tập đoàn từ năm 2003 -2006, nhân giống vô tính và khảo nghiệm so sánh, khảo nghiệm sản xuất từ năm 2006 cho đến nay.
Hiện đang sản xuất thử khá rộng ở các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Đặc điểm chính là: (1) Bộ lá có màu nâu nhạt; (2) Cấu trúc tán: Thấp, phát tán đều hình mâm xôi, thường có 1 thân chính, có thể trồng dày; (3) Đặc tính ra hoa: Ra hoa sớm 18 tháng sau trồng, thường ra 2 đợt hoa: Đợt 1 từ chùm hoa chính và đợt 2 từ 4 chùm hoa phụ mọc ra dưới chùm hoa chính, có thời gian nở hoa kéo dài, đặc điểm này rất có lợi trong khi gặp điều kiện biến đổi khí hậu; (4) Màu sắc quả lúc chín: Màu đỏ; (5) Năng suất sau 8 năm trồng: Trên 3.000 kg/ha; (6) Tỷ lệ nhân trên 28%, (7) Kích cỡ hạt/kg: 131 hạt/kg. Năng suất này chỉ thể hiện trong điều kiện nhân giống, khi trồng thâm canh bảo đảm điều kiện tốt thì năng suất còn cao hơn rất nhiều
II – Giống điều AB29: Về xuất xứ cũng giống như giống điều AB05-08. Đặc điểm: (1) Màu sắc lá non: Màu xanh; (2) Cấu trúc tán: Tán trung bình, phát tán không đều, có khuynh hướng phân cành hợp trục nên cành cấp 1 có thể phát triển thêm thân chính; (3) Đặc tính ra hoa: Ra hoa sớm 18 tháng sau trồng, thường ra 3 đợt hoa trong mỗi vụ; (4) Màu sắc quả chín: Màu vàng; (5) Năng suất sau 8 năm: 3.000 – 3.500 kg/ha; (6) Tỷ lệ nhân: 28 – 32%; (7) Kích cỡ hạt: 133 – 155 hạt/kg.
Hai giống này hiện làm cây cho mắt ghép rất tốt và đã trồng thử ở các vùng miền Đông và Tây Nguyên hàng chục ngàn ha, được người trồng rất ưa chuộng. Hy vọng 2 giống điều sẽ đóng góp tích cực vào chương trình phát triển giống điều ghép và giúp nông dân thoát khỏi trồng giống thực sinh năng suất thấp như hiện nay.