Site icon Kiến Thức Nhà Nông

EMS và giải pháp sống chung với với dịch bệnh – Phần 1

I. Tổng quan về EMS:

Người tìm ra bệnh: TS Lightner và cộng sự

Vi khuẩn gây bệnh: Vibrio parahaemolyticus

Cách thức gây bệnh: VK (vi khuẩn) gây bệnh Vibrio parahaemolyticus bị nhiễm thực thể khuẩn đi vào ruột tôm qua đường miệng, bám vào thành ruột.

Sau đó sinh ra độc tố gây tổn thương gan tụy, làm tôm phát bệnh nên có tên gọi khác của EMS là bệnh hoại tử gan tụy cấp (hay nôm na là bệnh gan tụy).

Đặc điểm chung của bệnh: Có mặt mọi nơi, mọi lúc. Nhưng bùng phát thành dịch khi thời tiết nắng nóng cực đoan, hay nắng nóng đan xen mưa to (hoặc mây mù) bất chợt. Những ao nuôi quản lý môi trường kém thường có tỉ lệ phát bệnh rất cao.

* Nên lưu ý: EMS THÍCH – Độ mặn cao (độ mặn dưới 5/1000, gần như không có nguy cơ bị EMS. Điều này cho thấy, trong nước ngọt hoàn toàn không có VK gây bệnh này)

– pH cao. Ao nuôi có mật độ tảo cao, dày.

– Nhiệt độ cao, nước ao ấm, nóng

II. EMS dưới góc nhìn thực tế:

– Nhiệt độ càng cao, ao nuôi càng dễ phát bệnh.

– Ao nuôi có mật độ tảo dày, màu xanh đậm, dễ phát bệnh.

– Ao nuôi cho ăn nhiều, quản lý kém về môi trường, dễ phát bệnh.

Thống kê cho thấy: Các ao có màu xanh đậm, mật độ tảo dày có tỉ lệ chết trên 95%. Những ao nuôi sống sót thường có màu xanh nhạt, màu nâu trà, hoặc không có tảo (màu nước đục).

Theo các nhà nghiên cứu, thì trong các chủng của tảo, tảo có màu xanh là tảo có mức độ quang hợp mạnh nhất, nên làm tăng pH cao nhất.

Thống kê này, không có mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, như biofloc, nuôi tôm trong nhà.

– 1/ Những ao nuôi có tính đối phó với EMS như dùng kháng sinh định kì hoặc ngay từ đầu vẫn chết như thường.

– 2/ Những ao nuôi có tính đối phó với EMS như dùng thuốc sát trùng định kì 7 – 10 ngày / lần vẫn chết như thường.

– Những ao nuôi kết hợp cả 2 cách trên vẫn chết như thường.

Kết luận sơ bộ:

– Kháng sinh không thể phòng hay chữa được bệnh EMS.

– Thuốc sát trùng có diệt được VK (trên lý thuyết).

Nhưng điều đó là không hoàn toàn trên thực tế. Bởi sau khi sát trùng ao nuôi, một số cá thể VK sống sót, có tốc độ nhân bản nhanh chóng mặt và có khả năng lờn thuốc.

Như vậy, việc loại trừ mầm bệnh trong ao bằng cách sát trùng ao nuôi thường xuyên là cách nghĩ không thực tế.

* Giải pháp… sống chung với dịch bệnh

Lý luận từ thực tế:

Những ao nuôi có màu xanh đậm, tảo dày trước khi phát bệnh vẫn ăn tốt, phát triển tốt (kể cả những ao nuôi theo cách đối phó 1/ và 2/, hoặc cả 2).

Thậm chí, có ao còn ăn rất mạnh, lớn rất nhanh ở tuổi tôm sau 1 tháng tuổi. Nhưng chỉ sau một thời gian liên tục nắng nóng cực đoan hay đang nắng nóng, có mưa đột ngột thì ao nuôi phát bệnh và chết nhanh trên diện rộng.

Hiện tượng dễ thấy là tôm nuôi đột ngột bỏ ăn hoặc giảm ăn đáng kể, tôm suy yếu nhanh trong cử ăn chiều. Và đến sáng, có hiện tượng tôm búng nhảy trên mặt ao, bơi lập lờ, hoặc bơi xoay vòng. Tôm rớt đáy rất nhanh và số lượng tăng dần.

Câu hỏi đặt ra, là tại sao, sự việc diễn ra bất ngờ và nhanh như vậy?

– Ao nuôi bị khí độc?

Câu trả lời là: không hợp lý. Bởi đó là những ao nuôi mà khí độc chắc chắn được loại bỏ bằng vi sinh liều cao định kì hay bằng yucca. Hơn nữa, sự ngộ độc ao nuôi tôm là rất hiếm. Thông thường, ao tôm có khí độc thì tôm sẽ có biểu hiện mệt mỏi, có khi phải nổi đầu nếu không được giải độc tức thì.

– Ao nuôi bị thiếu oxy về đêm?

Câu trả lời: vẫn không hợp lý. Trước khi thiếu oxy trầm trọng , để dẫn đến ngạt thở mà chết, thì trước đó tôm sẽ có biểu hiện mệt mỏi, không ăn nổi cử sáng, và có khi cũng phải nổi đầu.

* Vậy thì, ao nuôi có biến động gì để tôm nuôi suy yếu nhanh và chết nhanh như vậy?

Giả sử có một ranh giới, giữa cái chết đột ngột và tôm đang ăn mạnh, thì cái ranh giới ấy đúng là mập mờ, và không thể xác định.

Nhưng chắc chắn là có cái ranh giới này. Và trong ao, đối tượng nào làm biến động môi trường nhanh đến vậy, để rồi tôm nuôi thích ứng không kịp, nên bị sốc, giảm sức đề kháng nhanh, suy yếu nhanh và phát bệnh?

Ai cũng biết; tảo cần cho ao nuôi tôm, bởi tảo tạo ra oxy, tạo ra hệ sinh thái cho ao tôm, nhờ đó tôm nuôi sống và phát triển. Môi trường ao nuôi tốt là môi trường hội đủ các điều kiện:

– pH từ 7.5 đến 8.5 và dao động 0.3 (tài liệu nuôi tôm khuyến cáo 0.5, là…xưa rồi);

– Kiềm trên 100 (nên 130 khi được 1 tháng tuổi);

– Độ trong 35cm trở lên;

– Độ sâu thấp nhất 1,2m;

– Các loại khí độc 0.1 hoặc là 0.

Người nuôi tôm không dễ dàng tạo ra pH như trên, độ trong như trên khi tôm ở ngưỡng 1 tháng tuổi, thì việc giữ được 2 yếu tố ấy có trong ao nuôi tôm là một chuyện quá khó khăn.

Bởi lẽ, độ trong, và pH nước đều phụ thuộc vào mật độ tảo. Tảo phát triển nhanh hay chậm, dày hay mỏng lại phụ thuộc vào thời tiết và mức độ hữu cơ trong ao.

Thời tiết thì do Trời làm, còn lượng hữu cơ trong ao thì do người nuôi tôm làm (cho tôm ăn); từ đó cho thấy, việc quản lý tảo (yếu tố làm biến động ao hàng ngày, hàng giờ) là chuyện cực kì khó.

Người nuôi làm nhiều cách (đối với người am hiểu) để khống chế tảo như: đánh vi sinh định kì hoặc cắt tảo bằng vi sinh, bằng vôi, bằng hóa chất.

Nhưng đến một lúc nào đó, người nuôi tôm không thể kiểm soát được tảo nữa. Tảo càng lên nhanh theo nhu cầu ăn của tôm nuôi (theo thời gian) và tình hình nắng nóng (theo cường độ bức xạ nhiệt).

Sự bùng phát này (hoặc suy giảm tảo, rớt tảo khi nắng mưa xen kẽ đột ngột) làm tăng hay giảm pH đột ngột, làm biên độ pH sáng chiều giãn rộng.

Điều này (chỉ có thể) đồng nghĩa với việc làm tăng tính độc của nước (NH3 hay H2S), nhưng chắc chắn làm tôm stress, suy giảm đề kháng, tạo cơ hội cho mầm bệnh bùng phát tức thì.

Đó là bằng chứng, chứng minh cho những ao nuôi tôm có màu nước ao xanh đậm, tảo dày hoặc môi trường ao kém, ao tôm có dấu hiệu tôm yếu bị LÊN ĐƯỜNG sau một vài cơn mưa hay nắng nóng kéo dài.

Trong vụ nuôi tôm đầu năm 2014 này, hầu hết những ao tôm sống sót đều mắc bệnh phân trắng.

Có 1 điểm chung nổi bật của những ao này là người nuôi gần như chăm chú chữa trị bệnh phân trắng mà quên đi chuyện EMS đang hoành hành.

Và thông thường khi chữa trị phân trắng thì việc đầu tiên là sát trùng ao, kế tiếp thay nước và cho ăn thuốc đặc trị hoặc vi sinh liều cao loại chất lượng cao.

Việc thay nước nhiều lần (theo kinh nghiệm truyền miệng) và việc sát trùng 1 hay 2 lần trong quá trình chữa trị phân trắng vô tình làm giảm đi đáng kể mật độ tảo, dẫn đến việc giảm pH nước từ từ, làm thu hẹp biên độ pH trong ngày.

Do bệnh có nguyên nhân từ thời tiết, nên chuyện chữa trị phân trắng không thể hết hoàn toàn, mà chỉ có tác dụng kéo dài tuổi tôm, tăng size để có giá, nên việc thay nước cũng diễn ra kéo dài, làm mất nguy cơ bùng phát tảo, là tác nhân chủ yếu làm biến động môi trường ao nuôi tức thời, thông qua việc làm tăng pH cũng như làm tăng biên độ dao động pH trong ngày (pH chiều trừ đi pH sáng).

So sánh và đối chiếu sau khi thống kê số ao bị sự cố và số ao sống sót, có thể kết luận rằng: Tảo là nguyên nhân trực tiếp làm biến động ao nuôi thông qua pH.

Sự biến động này vô hình và có sức mạnh vô cùng lớn (có thể làm tăng tính độc NH3 hay H2S trong ao), đủ làm suy yếu hệ miễn dịch của tôm nuôi, làm tăng khả năng cảm nhiễm bệnh và phát bệnh.

Kết luận này phù hợp với nguyên lý 3 vòng tròn gây bệnh trong nuôi tôm.

Có nghĩa là môi trường ao nuôi luôn tồn tại song song 2 thực thể: mầm bệnh và tôm. Loại trừ mầm bệnh ra khỏi ao nuôi hoàn toàn là việc làm bất khả thi.

Chỉ có cách SỐNG CHUNG VỚI DỊCH BỆNH một cách hòa bình theo tính toán mang tính chiến lược (chứ không phải đối phó) là cách tốt nhất.

Mầm bệnh lúc nào cũng có trong ao, sát trùng ao định kì không phải là cách tốt nhất để loại trừ mầm bệnh.

Chỉ làm sao để mầm bệnh không thể bùng phát.

Do đó, người nuôi nên chú trọng đến sức khỏe tôm nuôi và luôn giữ môi trường ao nuôi ổn định về pH, chất lượng nước ao; không để lượng hữu cơ (phốt phát PO4) trong ao tăng lên, không để tảo có cơ hội bùng phát khi nắng nóng.

Người nuôi tôm không thể loại trừ được mầm bệnh, nhưng có thể làm được 2 việc nêu trên (tăng cường sức khỏe cho tôm và giữ môi trường ao nuôi tôm luôn ổn định về pH, trong lành về chất lượng nước, sạch sẽ về chất hữu cơ), thì dù có mầm bệnh trong ao, tôm vẫn không phát bệnh, do các yếu tố gây bệnh bị mất đi.