Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Dùng tỏi trong nuôi trồng thủy sản

Thành phần hóa học của tỏi

Tỏi có chứa allin, một axit hữu cơ; khi bị đập dập sẽ kết hợp với Allicinase có trong tỏi để tạo thành Allicin. Allicin có khả năng kháng khuẩn và nấm. Chất Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Oxytracilin. Trong tỏi còn chứa diallyl disulfide; chất này không những mạnh hơn nhiều hai dòng kháng sinh thường đang dùng trong nuôi trồng thủy sản là Erythromycin, Ciprofloxacin mà còn có tác dụng nhanh hơn. Ngoài khả năng kháng khuẩn, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Khả năng kháng bệnh của tỏi

Qua nhiều nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm sử dụng tỏi có nhiều công dụng trị bệnh trên cả người và động vật trên cạn, động vật dưới nước. Dịch chiết tỏi ức chế một số loại nguyên sinh động vật, giảm nhiễm ký sinh trùng với mức độ ảnh hưởng đến môi trường là thấp nhất.

Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi có thể dùng trong nuôi thủy sản như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học. Tỏi có khả năng ức chế, thậm chí kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản.

Sử dụng đúng cách

Với tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản hoành hành khắp mọi nơi thì việc sử dụng rộng rãi hóa chất, thuốc kháng sinh là không tránh khỏi. Phát triển và ứng dụng các biện pháp thay thế sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản là hết sức cần thiết. Dùng tỏi để phòng bệnh cho tôm cá là biện pháp hữu hiệu.

Allicin trong tỏi chỉ được sinh ra khi nghiền nát hoặc đập dập. Tuy nhiên, Allicin kém bền nên biến chất nhanh trong điều kiện môi trường bên ngoài. Không nên nấu chín tỏi, vì khi ở nhiệt độ cao các hoạt chất này sẽ phân hủy và giảm tác dụng. Tỏi ngâm lâu ngày trong rượu trắng cũng được chứng minh là không có tác dụng trị bệnh cho động vật thủy sản.

Vì vậy, nếu dùng tỏi tự chế biến thì phải được xay nhuyễn trộn cho động vật thủy sản ăn ngay với liều dùng 3 – 5 g tỏi/kg thức ăn.

Chất Alicin trong tỏi là kháng sinh sẽ phát giác gây tác dụng phụ làm tôm cá rối loạn hệ tiêu hóa đường ruột khi cơ quan tiêu hóa bị trống rỗng. Vì vậy không sử dụng tỏi cho tôm cá ăn lúc đói. Nếu dùng tỏi nên bổ sung vào bữa ăn cuối cùng trong ngày.

Tỏi có bản chất là kháng sinh. Vì vậy, ngoài việc trị các vi khuẩn gây bệnh, nó còn diệt luôn các vi khuẩn có lợi. Để khắc phục điều này, chúng ta nên sử dụng chế phẩm sinh học bao gồm các vi khuẩn sống có lợi để tăng cường sức khỏe cho tôm cá tốt hơn.

Nên dùng các sản phẩm tinh dầu tỏi chiết xuất từ tỏi tươi. Nếu dùng bột tỏi thì hiệu quả thấp hơn.

Trong nuôi trồng thủy sản, tỏi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng trị bệnh cho tôm cá nuôi, đặc biệt các nhóm vi khuẩn gây bệnh, nấm, ký sinh trùng.

Tags: dung toi trong nuoi trong thuy san, dung toi phong benh tom, dich benh tom, nuoi tom