Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Để có vườn đu đủ trái dài, năng suất cao

Đu đủ là loại cây ăn trái dễ trồng, mau cho trái và có hiệu quả kinh tế cao. Đu đủ nhân giống chủ yếu bằng hạt vì nhanh, rẽ và tiện lợi. Tuy nhiên, lấy hạt từ một cây đu đủ mẹ đem gieo thì được 3 nhóm cây: cây đực, cây cái và cây lưỡng tính. Cây lưỡng tính có các đặc tính mong muốn về sản lượng, chất lượng như trái dài, cơm dày; ngược lại cây cái cho dạng trái tròn, cơm mỏng, hột nhiều, năng suất thấp. Vì thế để có một vườn đu đủ trái dài, năng suất cao đòi hỏi người trồng đu đủ phải quan tâm chăm sóc ngay từ khi gieo hạt, quan trọng nhất là khâu chọn cây con.

Đu đủ thường có ít nhất 3 loại hoa:

– Cây cái: là cây thường cho ra hoa cái, hoa cái chỉ có bầu noãn màu trắng và trên có nướm chia thành 3 chia, không có các bao phấn đực màu vàng bao chung quanh nướm. Cây cái sẽ cho trái tròn.

– Cây lưỡng tính: là cây thường cho hoa có cả bộ phận đực và cái trên cùng một hoa nên gọi là hoa lưỡng tính, hoa cũng có một bầu noãn màu trắng và chung quanh được bao bọc bằng các bao phấn nhụy đực màu vàng, cây lưỡng tính sẽ cho trái dài.

– Cây đực: là cây thường cho toàn hoa đực, hoa không có bầu noãn, cọng hoa rất dài, không cho trái nhưng thỉnh thoảng cũng cho một vài trái rất nhỏ do hiện tượng trinh sinh quả, thường không hiệu quả trong sản xuất.

Để trồng đu đủ có trái dài, nên chú ý thực hiện các bước như sau:

– Khi gieo hạt, chọn những hạt to, nặng và chìm khi thả trong nước để có cây con tốt, sau đó đưa cây con ra bầu để dưỡng thêm một thời gian, đem trồng mỗi mô hai bầu. Sau khi trồng 2,5-3 tháng ( tùy theo mùa) thì cây ra hoa. Bóc những hoa đầu tiên ra xem, nếu hoa chỉ có duy nhất một bầu noãn thì đó là cây cái sau này sẽ cho trái tròn, năng suất thấp là vì cần phải có sự thụ tinh chéo (lấy phấn đực từ phấn hoa của các cây khác) nên khó đậu trái, trái nào đậu được thì to, tròn, nhiều hạt, cơm mỏng. Số còn lại bầu noãn phát triển thành trái theo lối trinh quả sinh, tức là bầu noãn phát triển thành trái không cần thụ phấn của các hoa khác, trái thường nhỏ, do đó năng suất cây cái rất thấp so với cây lưỡng tính.

– Quan sát hoa đầu tiên thấy hoa có bầu noãn được bao bọc bởi các túi phấn hoa đực màu vàng thì đó là cây lưỡng tính, sau này sẽ cho trái dài. Cây lưỡng tính rất dễ đậu trái, năng suất cao. Trên một mô, nên chọn để lại cây lưỡng tính, nếu mô nào không có cây lưỡng tính thì nên tìm cây lưỡng tính ở những mô khác thế vào.

– Nếu thực hiện được các bước trên một cách tỉ mĩ thì sẽ chọn được từ 98 -100% cây trái dài. Chú ý: khảo sát hoa sớm để kịp thời loại bỏ cây cái và cây đực, tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

* Bón phân:

Cây đu đủ đời sống ngắn, sản lượng cao, ra hoa, trái quanh năm vì vậy đòi hỏi về phân rất lớn. Sử dụng lượng phân như sau (bón cho 1cây/năm): phân chuồng: 3-5 kg, phân Urea: 200-300 gr, Super lân: 500-600 gr, KCL: 200-300 gr. Đu đủ chín quanh năm nên phân bón chia làm nhiều đợt bón khoảng 3-4 lần. Có thể sử dụng dạng phân đơn hoặc phân hỗn hợp khác nhưng cần phải cân đối hàm lượng đạm, lân, kali. Bón đủ kali sẽ làm tăng chất lượng, đu đủ ngọt, giòn. Rễ đu đủ ăn nông, rất sợ bị chạm rễ, khi bón phân tốt nhất là rắc phân lên mặt đất, sau đó phủ rác, đất vụn lên trên ( bùn phơi khô càng tốt).

* Tưới nước: mặc dù nhu cầu nước của đu đủ rất cao nhất là giai đoạn ra hoa, đậu trái nhưng đu đủ rất mẫn cảm với sự úng nước. Vì thế, khi tưới nước không nên tưới quá đẫm, cây bị úng, rễ bị thối đưa đến chết cây. Tủ gốc là một công việc rất quan trọng vừa để giữ ẩm vừa hạn chế cỏ dại. Khi cây đu đủ đã lớn khoảng 6 tháng tuổi trở lên, không nên cuốc xới sẽ dễ làm đứt rễ.

* Phòng trừ sâu bệnh:

Một số sâu bệnh phổ biến trên đu đủ như giai đoạn cây con thường bị bệnh thối rễ; giai đoạn cây lớn nhiễm bệnh virus đốm vòng, bệnh thán thư trái, nhện đỏ, rầy mềm, rệp sáp…phải thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.

Lưu ý: đu đủ rất mẫn cảm với các loại thuốc sâu bệnh nên khi sử dụng cần phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng./.