Muốn nuôi cá lóc thành công, bà con cần phải nắm vững đặc điểm sinh học, nhu cầu sống của cá để đáp ứng theo yêu cầu.
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ LÓC
1. Ðặc điểm hình thái
Vây lưng có 40 – 46 vây; vây hậu môn có 28 – 30 tia vây, vảy đường bên 41 – 55 cái.
2. Tập tính
Thích sống ở vùng nước đục có nhiều rong cỏ, thường nằm phục ở dưới đáy vùng nước nông có nhiều cỏ. Tính thích nghi với môi trường xung quanh rất mạnh, nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên nó có thể hít thở được oxy trong không khí, ở vùng nước hàm lượng oxy thấp cá vẫn sống được, có khi không cần nước chỉ cần da và mang cá có độ ẩm nhất định vẫn có thể sống được thời gian khá lâu.
3. Tính ăn
Cá lóc thuộc loại cá dữ. Thức ăn là chân chèo và râu ngành; thân dài 3 – 8cm ăn côn trùng, cá con và tôm con; thân dài trên 8cm ăn cá con. Trong điều kiện nuôi nó cũng ăn thức ăn chế biến. Mùa đông cá ít bắt mồi.
4. Sinh trưởng
Tương đối nhanh. Con lớn nhất đến 5 kg; Cá 1 tuổi thân dài 19 – 39 cm nặng 95 – 760 g; Cá 2 tuổi thân dài 38,5 – 40 cm, nặng 625 – 1.395 g; cá 3 tuổi thân dài 45 – 59 cm, nặng 1.467 – 2.031g; khi nhiệt độ trên 200C cá sinh trưởng nhanh, dưới 150C cá sinh trưởng chậm.
5. Sinh sản
Mùa vụ đẻ trứng từ tháng 4 – 7, rộ nhất trung tuần tháng 4 – 5. Cá tròn 1 tuổi, thân dài 20 cm nặng 130 g đã thành thục đẻ trứng. Số lượng trứng tuỳ theo cơ thể to nhỏ mà thay đổi. Cá nặng 0,5 kg số lượng trứng 8.000 – 10.000 cái, cá nặng 0,25 kg, số lượng trứng 4.000 – 6.000 cái.
a. Sinh sản tự nhiên
Diện tích ao đẻ từ 190 – 200 m2. Ðáy ao chia làm 2 phần : Phần sâu 1 m, phần nông 0,3 m. Trong ao nên trồng một ít cây thực vật thuỷ sinh như rong, bèo bờ ao đầm nện chặt và cứ để cho cỏ mọc tự nhiên. Xung quanh ao rào cao 30 – 40 cm đề phòng cá phóng ra ngoài. Thức ăn là cá con. Mỗi m3 nước thả 1 con đực và 2 – 3 con cái. Những con cá đực thành thục thì thân dưới có màu tím hồng, bụng béo mềm, lỗ sinh dục có màu phấn hồng. Con cái thành thục có bụng to, phần ngực căng tròn vẩy trắng, mồm hơi vàng, lỗ sinh dục to và lồi ra có hình tam giác. Ở chỗ có nhiều rong cỏ cá cái dùng cỏ làm ổ, sau đó cá cái và cá đực kéo đến đẻ trứng và thụ tinh ở đây (đẻ trứng vào sáng sớm). Ðẻ xong cả con đực và cái không rời khỏi ổ mà nằm phục dưới đáy bảo vệ trứng cho đến khi nở thành con mới rời ổ và dẫn đàn con đi kiếm ăn, lúc này cũng là lúc mà cá bố mẹ ăn cả thịt những con cá con khác đã tách đàn , cho nên đến mùa sinh sản sáng sớm thăm ao hễ phát hiện thấy có cá con là vớt đem ương sang ao khác.
b. Sinh sản nhân tạo
Dùng não thuỳ cá chép, cá mè và prolan B để tiêm cho cá. Số lượng thuốc tiêm là 14 não cá mè/kg cá mẹ (1 não cá chép bằng 2,7 – 3 não mè). Tiêm lần thứ nhất 2/5 số lượng, lần thứ 2 tiêm số còn lại. Dùng prolan B thì 1.600 – 2.000 UI/kg cá mẹ, tiêm lần 1 là 1/3 số thuốc, lần 2 : số còn lại. Cá đực tiêm bằng 1/2 cá cái.
Tiêm xong ghép cá cái và đực vào bể đẻ, sau 14 tiếng cá động hớn và đẻ trứng, trứng thụ tinh mới đầu chìm dưới đáy bể sau khi hút nước trương lên nổi lơ lửng trong nước.
Vớt trứng thụ tinh cho vào bình ấp hoặc bể ấp. Dụng cụ ấp trước khi cho ấp phải tiêu độc bằng 0,1 ppm xanhmêtylen, tiêu độc xong lấy nước vào một đầu, đầu kia tháo nước ra giữ mức nước không thay đổi, trong thời gian ấp giữ nhiệt độ nước ít thay đổi, biên độ thay đổi chỉ dưới 2 0C nếu không sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ nở. Nhiệt độ nước 25 0C thời gian ấp nở là 36 tiếng, nhiệt độ 26 – 27 0C thời gian 25 tiếng.