Gà móng đỏ có nguồn gốc ở xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nên từ lâu, giống gà móng quý có tên trong sách đỏ Việt Nam đã được nuôi độc nhất tại xã này. Tuy với lượng nuôi lên tới hàng nghìn con nhưng quy trình chăn nuôi gà móng Tiên Phong lại không thể chuyển hóa hoàn toàn sang nuôi công nghiệp do đặc tính của gà móng là giống gà thuần Việt.
Gà móng Tiên Phong được đánh giá là có thịt đậm, dai, da giòn và ít mỡ. Giống này thích nghi tốt với thời tiết nắng nóng, lạnh, chống chịu bệnh tật tốt. Tuy gà có sức đề kháng cao nhưng việc kiểm soát dịch bệnh vẫn cần được chú trọng chặt chẽ với 10 lần tiêm vaccine cho mỗi lứa nuôi.
Thời gian nuôi gà móng kéo dài, đầu tư khá lớn, chi phí cao trong khi giá thành phẩm hiện vẫn chưa tương xứng với giá trị. Thị trường Việt Nam hiện nay có nhiều giống gà nên gà Tiên Phong vẫn dễ bị đánh đồng với những loại gà khác. Công cuộc tìm đầu ra cho gà móng Tiên Phong vẫn đang gặp không ít thách thức.
Một trong những người có công phát hiện và bảo tồn giống gà Móng quý hiếm là ông Hoàng Kinh Tôn ở thôn An Mông, Tiên Phong và cũng vì thế ông đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nông thôn năm 2004.
Gà Móng chỉ duy nhất xã Tiên Phong là có thể nuôi tốt. Nhiều người từ vùng khác đến mua gà giống về nuôi thử nhưng sau hai ba lứa thì bị chết. Viện chăn nuôi giám định chỉ có xã Tiên Phong là nơi lưu giữ nguồn gen tốt nhất. Hiện nay, đến năm 2013, xã Tiên Phong có hơn 95% số hộ nuôi gà, với khoảng 18.000 con mái đẻ. Hộ ít thì vài chục con, hộ nhiều hàng nghìn con.
Gà Móng theo người dân địa phương thì rất dễ nuôi, chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền. Sau 7 tháng, gà trống đạt 3,5–4 kg, gà mái 2,5–3 kg.
Từ 7 đến 8 tháng, gà Móng bắt đầu đẻ, trung bình gà mái đẻ 200 đến 230 trứng một năm