Kỹ thuật trồng cây đậu ván tại nhà không chỉ có rau ăn mà còn có tác dụng giải độc, điều trị được rất nhiều loại bệnh thông thường.
Cây đậu ván có thể trồng theo giàn xung quanh nhà, cho quả quanh năm. Ảnh minh họa
Cây đậu ván là một loại cây họ đậu, leo giàn và sống được nhiều năm. Đậu ra hoa rất nhiều, thành từng chùm. Hoa có màu tím và quả cũng có màu tím hoặc xanh tím dài 5-8cm và có hình dẹt, rộng 1,5-2cm. Mỗi quả chứa 3-4 hạt có thể chế biến thành các món ăn như xào, luộc…
Ngoài việc làm rau ăn cho cả gia đình thì việc áp dụng kỹ thuật trồng cây đậu ván tại nhà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh mà nhiều người không biết. Dưới đây là các bước kỹ thuật trồng cây đậu ván cơ bản nhất.
Giống đậu ván
Đậu ván có 2 loại là đậu ván trắng và đậu màu đỏ. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà có thể lựa chọn từng giống khác nhau nhưng cơ bản về giá trị dinh dưỡng đều không khác.
Điều kiện nhiệt độ thích hợp trồng đậu ván
Cũng giống như nhiều cây họ đậu, cây đậu ván là cây có sức sống mãnh liệt. Cây có thề tồn tại và phát triền ở những vùng khô hạn có thời tiết khốc liệt, đất đai nghèo chất dinh dưỡng cũng có thể phát triển. Tuy nhiên nếu trồng trên đất giàu dinh dưỡng thì cây đậu ván sẽ luôn xanh tốt và cho nhiều quả.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đậu ván
Kỹ thuật trồng trồng cây đậu ván chỉ có thể bằng cách gieo hạt. Hạt giống có thể để từ mùa vụ trước hoặc mua từ cửa hàng có uy tín sau đó tiến hành gieo hạt trực tiếp hoặc ươm cây lớn rồi trồng. Sau khi gieo hạt nên tưới nước đẫm và hàng ngày tưới đều.
Do là giống dây leo nên khi trông xong hãy tiến hành làm giàn cho cây để tạo điều kiện cho dây leo phát triển thành những tán rộng. Mỗi giàn có thể cho nhiều gốc đậu ván leo lên. Mỗi gốc cần ít nhất 6-8m2 để cành leo ra.
Việc chăm sóc cây đậu ván không mất quá nhiều thời gian bởi là cây có sức sống tốt ở các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên cũng cần lưu ý nhổ cỏ và tưới nước đều đặn hoặc tỉa ngọn cho cây nhằm thúc đẩy việc dây leo phát triển thành nhiều cành nhánh.
Vì đậu ván là cây có thể duy trì được khoảng 3 tới 4 năm nên việc bón phân khá quan trọng. Bởi vào mùa Đông cây đậu ván sẽ không xum xum xuê lá, cành nhánh còi cọc. Lúc này hãy dùng phân chuồng hoai mục sau đó lấy lớp đất mặt trộn đều với phân và ủ trước độ vài tuần sẽ giúp cây có đủ dinh dưỡng nuôi toàn bộ giàn cây.
Công dụng tuyệt vời của cây đậu ván
Nói tới tác dụng tuyệt vời của cây đậu ván tới sức khỏe con người, theo lương y Trần Thị Nga- chủ cửa hàng chuyên bán thuốc Đông ý tại Hoài Đức (Hà Nội), đậu ván được xếp vào nhóm thuốc bổ khí cùng các vị nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoài sơn…
Trong Đông y cây đậu ván dùng chữa rất nhiều loại bệnh như viêm đại tràng, đại tiện xuất huyết, trĩ lở loét, tiêu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục…
Đặc biệt theo lương y Trần Thị Nga, dây đậu ván trắng chữa chứng họng vướng đờm, ngực đầy tức khó chịu, ý thức mơ hồ hoặc hôn mê, Đông y gọi là chứng “đờm mê tâm khiếu”, phát cuồng nói huyên thiên. Cây đậu ván còn đặc biệt tốt đối với trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi, bị nhiễm độc, toàn thân lở loét.
Lương y Trần Thị Nga cho biết thêm, ngoài những công dụng trên cây đậu ván còn có khả năng giải độc khi bị ngộ độc thực phẩm. Nếu trường hợp này xảy ra chỉ cần dùng hạt đậu ván trắng tươi 30g quả giã nát, hòa với nước sôi để nguội uống. Cũng có thể lấy một vốc hạt đậu ván trắng sống (khoảng 20g), hòa với nước sôi để nguội nghiền mịn, uống.
Một cách nữa cũng khá hiệu quả đó là dùng hạt đậu ván trắng 1 cân, rang chín, nghiền thành bột mịn, hòa với nước sôi để nguội uống ngày 3 lần, mỗi lần 12g, liên tục trong nhiều ngày, có tác dụng giải độc cực tốt cho cơ thể.