Như vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây hội chứng tôm chết sớm (EMS) – có thể hưởng lợi từ các chất dinh dưỡng sẵn có ở bùn lắng đọng và nước, thiếu các loài vi sinh vật cạnh tranh.
Một cộng đồng vi khuẩn trưởng thành và đa dạng trước khi thả giống có thể tránh sự hình thành một lượng lớn Vibrio và như vậy hạn chế tác động tiềm tàng của các tác nhân gây bệnh.
Các ao nuôi ghép với cá rô phi hoặc nuôi công nghệ biofloc có một hệ thống vi khuẩn trưởng thành gồm các loài vi khuẩn có lợi cạnh tranh với các loài vi khuẩn gây bệnh EMS.
Tiến sĩ Peter De Schryver, Phòng Thí nghiệm Nuôi trồng Thủy sản và Trung tâm Khảo cứu Artemia, Khoa chăn nuôi động vật, Đại học Ghent, Rozier 44, 9000 Ghent, Bỉ
Tiến sĩ Tom Defoirdt
Tiến sĩ Patrick Sorgeloos
Phòng Thí nghiệm Nuôi trồng Thủy sản và Trung tâm Khảo cứu Artemia, Khoa chăn nuôi động vật, Đại học Ghent
Hội chứng tôm chết sớm (EMS), còn được gọi là hoại tử gan tụy cấp tính, thường tác động đến hậu ấu trùng tôm giống (postlarvae) trong vòng 20 đến 30 ngày sau khi thả và có thể gây chết đến 100%.
Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu ước tính thiệt hại hàng năm cho ngành nuôi tôm châu Á hơn 1 tỷ USD.
Tác nhân gây bệnh EMS đã được báo cáo là do một loài vi khuẩn, cụ thể hơn là chủng gây bệnh Vibrio parahaemolyticus. Đây là loài vi khuẩn bình thường có trong hệ vi sinh vật tự nhiên ở môi trường biển.
Tại thời điểm này, nghiên cứu đã và đang chủ yếu hướng tới bệnh lý và nguyên nhân của bệnh EMS, mặc dù những nỗ lực để phát triển các chiến lược để ngăn ngừa hoặc khắc phục căn bệnh này là như nhau – nếu không còn là nhiều hơn cần thiết.
Dựa trên hệ sinh thái của tác nhân gây bệnh, dường như các cách tiếp cận tập trung vào kiểm soát sự hiện diện hoặc hoạt động của Vibrio nói chung là có cơ hội cao để giảm nguy cơ bùng phát EMS.
Tẩy trùng ao
Tẩy trùng ao – có hoặc không kết hợp với phơi ao – loại bỏ hầu hết vi sinh vật và sinh vật lớn, nhưng không có hiệu quả trong việc diệt sạch hết toàn bộ vi khuẩn, đặc biệt là ở màng sinh học và bùn lắng đọng trong ao.
Sau khi lấy nước lại vào ao, sinh vật còn sống có thể hưởng lợi từ các chất dinh dưỡng sẵn có trong bùn lắng đọng và nước ao, ít sự phong phú các loài vi sinh vật khác để cạnh tranh dinh dưỡng với chúng.
Các điều kiện này tạo thuận lợi cho vi khuẩn sinh trưởng nhanh phát triển.
Xem xét thực tế có nhiều loài vi khuẩn Vibrio gây bệnh, bao gồm cả tác nhân gây bệnh EMS là Vibrio parahaemolyticus – vi khuẩn cơ hội sinh trưởng nhanh có thể sinh sôi bên ngoài vật chủ của chúng, việc tẩy trùng ao có khả năng dẫn đến gia tăng lượng lớn Vibrio trong ao.
Khi thả tôm giống và cho thức ăn vào ao đã được tẩy trùng làm gia tăng thêm tác động này là do tăng sự sẵn có dinh dưỡng thúc đẩy vi khuẩn phát triển (Hình 1).
Hình 1. Thể hiện quy trình tẩy trùng ao có thể góp phần tăng nhanh tác nhân gây bệnh EMS trong ao
Pond Refilling: Lấy nước lại vào ao
Pond Disinfection + Drying: Tẩy trùng ao + Phơi ao
Pond Stocking: Thả giống vào ao
Number of V. parahaemolyticus in pond water: Số lượng V. parahaemolyticus trong nước ao nuôi
Expected risk for EMS outbreak: Nguy cơ sẽ bùng phát EMS
Nutrients available for microbial growth in pond water: Dinh dưỡng sẵn có cho vi khuẩn phát triển trong nước ao.
Time: Thời gian
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh có khả năng tăng lên cùng mức tăng tác nhân gây bệnh trong nước ao nuôi. Do đó, nếu không quản lý theo dõi thêm, về lâu dài việc tẩy trùng ao có thể làm tăng hơn là giảm nguy cơ EMS.
Trong thực tế, bùng phát EMS giống như bùng phát bệnh phát sáng Vibriosis trong những năm 1990. Bệnh này là do vi khuẩn thuộc nhóm harveyi của Vibrio, trong đó cũng có V. parahaemolyticus. Tương tự EMS, bệnh phát sáng Vibriosis xảy ra thường trong khoảng thời gian 10 – 45 ngày sau thả giống trong ao nuôi tăng trưởng.
Sự bùng phát dịch bệnh này nhìn chung trước hết là bởi sự gia tăng đáng kể về số lượng Vibrio trong nước ao sau khi tẩy trùng ao.
Cộng đồng vi khuẩn trưởng thành
Số lượng lớn V. parahaemolyticus trong nước ao nuôi có thể tránh được bằng cách đưa vào trong nước ao một cộng đồng vi khuẩn trưởng thành và đa dạng trước khi thả giống.
Cách làm này tạo ra một sự cân bằng giữa mật độ vi sinh vật và lượng mức dinh dưỡng sẵn có có trong nước ao nuôi, mà theo ý kiến của các tác giả là cơ chế tốt nhất để ngăn chặn vi khuẩn Vibrio gây bệnh EMS không phát triển đến mật độ cao và gây bùng phát dịch bệnh.
Chìa khóa để tạo ra một cộng đồng vi khuẩn trưởng thành và đa dạng trong các ao nuôi là cần một khoảng thời gian ổn định nước sau khi tẩy trùng nhưng trước khi thả giống, trong đó các chất dinh dưỡng được bổ sung thêm để thúc đẩy vi khuẩn sinh trưởng.
Cách làm này sẽ làm phong phú thêm các loài vi khuẩn sinh trưởng nhanh mà sau đó sẽ dần dần được thay thế bằng một sự đa dạng nhiều loài vi sinh vật sinh trưởng chậm trong một cộng đồng trưởng thành. Có thể thêm vào các chất dinh dưỡng, ví dụ bằng cách nuôi cá rô phi trong ao trong giai đoạn ổn định nước.
Phương pháp nước đủ điều kiện dinh dưỡng
Tiềm năng của nguyên tắc nước đủ điều kiện dinh dưỡng gần đây đã được làm rõ trong nuôi ấu trùng cá tuyết Đại Tây Dương của Tiến sĩ Kari Attramadal và Giáo sư Olav Vadstein tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy ở Trondheim, Na Uy.
Họ đã so sánh việc áp dụng một hệ thống nuôi nước chảy flowthrough – chọn vi sinh vật sinh trưởng nhanh trong nước nuôi – với hai hệ thống nước đủ điều kiện dinh dưỡng, một ở hình thức nước chảy và một ở hình thức tuần hoàn.
Quan sát thấy cộng đồng vi khuẩn trong nước đủ điều kiện dinh dưỡng đa dạng và ổn định hơn rất nhiều, tỉ lệ sống của các ấu trùng được nuôi trong các hệ thống nước đủ điều kiện dinh dưỡng là 72% cao hơn trong hệ thống nước không đủ điều kiện dinh dưỡng.
Các chỉ số từ thực hành cho thấy phương pháp nước đủ điều kiện dinh dưỡng cũng có hiệu quả trong nuôi tôm.
Ví dụ cũng đã quan sát thấy EMS ít bị lây lan trong các ao có giáp xác chân chèo copepod.
Điều này cho thấy các hệ sinh thái đủ điều kiện dinh dưỡng một cách tự nhiên bởi copepod đòi hỏi một lượng thực vật phù du và vi khuẩn liên tục để làm thức ăn.
Nước xanh – thường là do nuôi ghép cá rô phi và hệ thống nuôi công nghệ biofloc cũng có liên quan đến tỷ lệ giảm mắc bệnh EMS trong thực hành nuôi trồng. Các hệ thống như vậy có đặc điểm đã được chứng minh là cộng đồng vi khuẩn và vi tảo trưởng thành làm giảm mức Vibrio và giảm tỷ lệ chết cho động vật thủy sản. Vi khuẩn có trong các hệ thống này có thể cạnh tranh hiệu quả với các tác nhân gây bệnh EMS về lượng dinh dưỡng sẵn có nhằm kiểm soát sự hiện diện của chúng.
Cần nhấn mạnh là phương pháp hệ sinh thái đủ điều kiện dinh dưỡng nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh EMS và không chữa trị tôm đã nhiễm EMS. Do đó, các trang trại nên chắc chắn là thả tôm giống không bị EMS.
Các quan điểm
Sự bùng phát hội chứng tôm chết sớm cho thấy quy trình thực hành nuôi tôm thâm canh hiện đại cần phải được xem xét nghiêm túc. Các tác giả chứng tỏ việc sử dụng các chất tẩy trùng và thuốc kháng sinh sẽ không giải quyết vấn đề.
Thay vào đó nên tận dụng lợi thế của sự cạnh tranh tự nhiên giữa các loài vi sinh vật để giữ cho vi khuẩn gây bệnh EMS không đạt được mật độ cao trong hệ thống nuôi.
Bài viết này được tóm tắt từ bài “Bùng phát hội chứng tôm chết sớm: Vấn đề quản lý vi khuẩn trong nuôi tôm”, do Tiến sĩ Peter De Schryver và đồng tác giả công bố ngày 24/4 trên tờ PLoS Pathogens – một tạp chí của Public Library of Science.
Tags: con tom, nuoi tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ao nuoi tom, che pham sinh hoc, vi khuan, khu trung ao nuoi