Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Chủ động trong sản xuất giống

Thiếu và yếu

Thừa Thiên – Huế có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhu cầu giống cao nhưng nguồn cung tại chỗ đối với tôm sú chỉ đáp ứng được 20%, còn TTCT người dân mua qua các công ty và nguồn giống trôi nổi. Hiện, ở tỉnh này có gần 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh tôm giống, nhưng chưa thực sự tạo được sự tin tưởng với người nuôi, vì con giống sau 10 ngày thả nuôi thường có hiện tượng chết bất thường mà không ai nhận trách nhiệm.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, cho rằng bây giờ chất lượng tôm giống thật giả lẫn lộn, các cơ sở bán tôm ở bể có giấy kiểm dịch nhưng khi đưa đến cho người nuôi thì lại bắt tôm kém chất lượng, không kiểm dịch. Biết vậy nhưng không kiểm soát xuể, do lực lượng cán bộ Chi cục quá mỏng.

Với tôm sú, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Các hộ nuôi tôm nhiều năm tại huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) cho biết: Chất lượng và giá tôm sú giống trên thị trường gần như bị thả nổi, muốn tìm được nguồn tôm sú giống chất lượng để thả nuôi phải đi xét nghiệm. Cách làm này chỉ phù hợp những hộ nuôi công nghiệp hoặc quảng canh cải tiến, còn những hộ nuôi quảng canh truyền thống thì không (do phải thả liên tục và gối vụ).

Cần nguồn cung tại chỗ

Từ thực tế trên có thể thấy, việc chủ động được số lượng con giống chất lượng, sạch bệnh góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ thành công vụ nuôi. Vì vậy, thời gian qua, nhiều trại sản xuất dần hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị phục vụ sản xuất giống.

Tuy nhiên, các trại giống vẫn hình thành tự phát, thiếu đầu tư đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu (chưa có hệ thống quan trắc môi trường phục vụ sản xuất giống thủy sản, xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý…). Bên cạnh việc chưa thực hiện được công tác quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản, các nghiên cứu về phòng trị bệnh trong quá trình sản xuất giống mới cũng chưa đầy đủ, tiến bộ kỹ thuật chuyển giao chậm nên hầu hết các cơ sở đều theo quy trình cũ. Vì thế, việc sản xuất nguồn giống tại chỗ vẫn chưa xứng tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đề xuất: Trước mắt, cần sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả theo hướng hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống; tổ chức tốt việc quy hoạch, hình thành các vùng hạ tầng sản xuất giống tập trung. Cần tập trung triển khai và đẩy nhanh việc ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị cũng như đầu tư xây dựng cho các dự án sản xuất giống trong toàn tỉnh.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Nhiều năm nay, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Giống thủy sản Thanh Hóa (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống chất lượng. Năm 2014, Sở NN&PTNT giao Trung tâm sản xuất tại chỗ 15 triệu con tôm sú giống (Pl15), phục vụ thả nuôi vụ xuân hè.

Trung tâm chọn mua tôm bố mẹ qua kiểm dịch của Chi cục Thú y đạt chuẩn chất lượng; tổ chức sản xuất, theo dõi quá trình sinh trưởng tôm giống; chăm sóc; điều chỉnh nhiệt độ; xử lý chế độ môi trường…, bảo đảm tôm giống phát triển tốt. Đến trung tuần tháng 3/2014, Trung tâm đã sản xuất được 10 triệu con tôm giống chất lượng. Chi cục Thú y đã kiểm tra chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ tôm sú giống trước khi đưa ra thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình Đỗ Văn Miền đề nghị, cần tập trung giải quyết khó khăn về kiến thức, kỹ thuật nuôi cho người dân và thực hiện chuyển giao công nghệ nuôi một số đối tượng, như nuôi hàu ghép với TTCT vùng cửa sông để cải tạo môi trường ao nuôi…

Tại Ninh Bình, Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn cho biết, đơn vị đã tích cực áp dụng và nhận chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất giống một số đối tượng chính (tôm sú, cua xanh, ngao). Điều này đã giúp doanh nghiệp sản xuất được nhiều con giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho vùng nuôi thủy sản.

Tags: san xuat giong, nuoi trong thuy san, nuoi tom