Dụng cụ kiểm tra
– Vợt đường kính 15 mm làm bằng lưới phù du No38.
– Vợt đường kính 30 mm làm bằng lưới phù du No38.
– Chậu màu sáng có dung tích 5 – 8 lít.
– Cốc thủy tinh có dung tích 300 – 500 ml.
– Thước đo hoặc giấy kẻ ô ly 1 mm.
– Đèn pin dung tích pin 3,0 – 4,5V.
– Kính lúp có độ phóng đại 20 lần.
Lấy mẫu kiểm tra
Dùng vợt lấy mẫu theo chiều thẳng đứng từ dưới lên ở 4 góc bể ương, thả vào chậu chứa sẵn nước của bể ương để kiểm tra. Số lượng mẫu tôm giống dùng làm mẫu không ít hơn 200 cá thể.
Cách tiến hành
Kiểm tra trạng thái hoạt động của tôm giống
Quan sát trực tiếp hoạt động bơi và bám của tôm giống trong chậu. Dùng tay khuấy tròn nước trong chậu và quan sát hoạt động bơi của tôm. Tôm khỏe sẽ bơi ngược dòng, đuôi xòe hoặc bám vào thành và đáy chậu. Tôm yếu trôi theo dòng nước chảy hoặc tập trung giữa chậu.
Thử trực tiếp với ánh sáng: Đặt chậu tôm giống vào chỗ tối, dùng đèn pin chiếu đột ngột và trực tiếp vào chậu để quan sát phản ứng của tôm. Tôm khỏe sẽ có phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột của ánh sáng.
Kiểm tra ngoại hình, màu sắc
Dùng vợt vớt 30 – 40 cá thể từ chậu cho vào cốc thủy tinh có chứa sẵn nước. Đặt hoặc nâng tôm ngang tầm mắt và hướng ra phía có nguồn ánh sáng để quan sát màu sắc tôm. Số lần quan sát không dưới 3 lần. Số tôm giống quan sát xong thả vào một chậu chứa khác.
Vớt ngẫu nhiên 30 – 40 cá thể trước đó đã quan sát bằng mắt thường, dùng kính lúp quan sát lại chỉ tiêu ngoại hình, phần phụ của tôm giống.
Kiểm tra chiều dài
Đặt tôm giống nằm duỗi thẳng trên thước đo hoặc giấy kẻ ô ly, sau đó đọc chiều dài từ mũi chủy đến chóp đuôi tôm. Lần lượt đo chiều dài ít nhất 50 cá thể. Thống kê toàn bộ chiều dài số cá thể của mẫu và xác định tỷ lệ % số tôm giống khác quy cỡ.
Kiểm tra khả năng bắt mồi
Kiểm tra tôm trong bể ương; tôm khỏe bắt mồi đều đặn, ruột chứa đầy thức ăn, không bị ngắt đoạn.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe
Kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm bằng 1 trong 2 cách:
+ Gây sốc bằng Formalin 100 ppm: Thả 40 – 50 cá thể tôm giống cần kiểm tra vào dung dịch Formalin 100 ppm và theo dõi trong 30 giây. Nếu tỷ lệ tôm sống 100% là tôm đạt yêu cầu.
+ Gây sốc bằng cách hạ độ mặn đột ngột xuống 0‰: Thả 40 – 50 cá thể tôm giống cần kiểm tra vào cốc thủy tinh chứa 300 ml nước trong bể ương. Cho nước ngọt vào và hạ độ mặn xuống còn 0‰. Theo dõi hoạt động của tôm trong 30 giây, sau đó đưa tôm trở lại độ mặn 30‰. Nếu tỷ lệ sống của tôm 100% là đạt yêu cầu.
Kiểm tra vi khuẩn, virus gây bệnh
Công tác và thiết bị kiểm tra mẫu bệnh của tôm giống cần được đầu tư và thường được tiến hành ở các phòng thí nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc phương pháp mô bệnh học.
Về quan sát hình thái và biểu hiện của tôm, người nuôi cần chú ý một số đặc điểm biểu hiện đặc trưng từng loại bệnh.
VD1: Tôm bị nhiễm bệnh đầu vàng (YHV) thường có biểu hiện bơi lờ đờ, hôn mê và bơi lên tầng mặt nước gần bờ ao; quan sát giáp đầu gần ngực có màu vàng nhạt; mang tôm có màu trắng, vàng nhạt hoặc nâu.
VD2: Tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy (NHP) thường có những biểu hiện lâm sàng như: tôm bỏ ăn; đường tiêu hóa rỗng; lớp vỏ mềm; mang bị đen hoặc sẫm màu; gan tụy hoại tử có màu trắng nhợt khác với màu nâu vàng ở tôm bình thường; gan tụy mềm, dễ nát…
VD3: Tôm bị nhiễm bệnh bệnh đốm trắng (WSSV) thường có những biểu hiện lâm sàng như: tôm lờ đờ, dạt vào bờ; xuất hiện các đốm trắng tròn ở dưới lớp vỏ kitin, đặc biệt là vùng đầu ngực và ở đốt bụng cuối cùng; trong trường hợp cấp tính tôm bệnh có thể chuyển sang màu hồng đỏ.
Yêu cầu kỹ thuật
Sau khi thực hiện các bước kiểm tra đánh giá chất lượng tôm giống, người nuôi cần áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại bảng 1 để lựa chọn được tôm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng.