Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Chăm Sóc Cà Phê Giữa Mùa Mưa& Trồng Tái Canh

BÓN PHÂN

Cà phê kinh doanh ở Tây Nguyên đã và đang được bà con bón phân đợt 2, đợt giữa mùa mưa. Việc bón phân cho đợt này rất quan trọng bởi đây là thời gian quả cà phê tăng trưởng mạnh nhất nên cây cần nhiều dinh dưỡng cân đối để một mặt cung cấp cho quả tạo năng suất, mặt khác còn để phát và nuôi cành nhánh mới đảm bảo năng suất cho năm sau.

Nếu bón phân không đủ lượng và mất cân đối thì rất dễ xảy ra hiện tượng rụng trái non làm thất thu năng suất. Thông thường mỗi mùa mưa, nhà vườn có thể bón 3 – 4 lần.

Vườn bón 3 lần: Áp dụng cho những vườn có tiềm năng và ước vọng năng suất trung bình 3 – 4 tấn nhân/ha.

Vườn bón 4 lần: Áp dụng cho những vườn có tiềm năng và ước vọng năng suất đạt 4,5 – 6 tấn nhân/ha.

Các nguyên tố phân bón đa lượng vẫn phải được ưu tiên, trong đó đạm là yếu tố cây cần nhiều nhất, tiếp đó là kali và cuối cùng là lân. Nếu thừa đạm cây sẽ phát triển cành lá quá mức, có nhiều sâu bệnh hại. Nếu thừa kali thì việc hấp thu đạm sẽ bị đình trễ. Nếu thừa lân thì cây sẽ bị ức chế trong việc hấp thu kẽm.

Nếu sử dụng phân đơn, với những vườn đã bón lót phân lân đầy đủ có thể trộn 1 bao urê với một bao kali và bón với lượng 350 gr/gốc cho những vườn có năng suất 3 – 4 tấn/ha và 450 gr/gốc với những vườn có năng suất cao hơn 4,5 tấn/ha.

Nếu sử dụng phân NPK thì có thể sử dụng NPK 16-8-16 + 13S (với những vườn không bị tồn dư lưu huỳnh) nhưng tốt nhất nên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho cà phê chắc hạt của Bình Điền có công thức NPK 16-6-19+TE. Khác với những loại phân khác, NPK của Bình Điền được SX theo công nghệ urê hóa lỏng nên rất tốt cho cây, ngăn chặn được việc dư thừa lưu huỳnh.

Nhóm các nguyên tố trung lượng can xi, lưu huỳnh, ma giê cũng rất cần thiết cho cây giai đoạn này, trong đó can xi được cây cần nhiều nhất và đất Tây Nguyên cũng thiếu nhiều nhất, can xi giúp cho các quá trình chuyển hóa dinh dưỡng cho cây tốt hơn nên trái sẽ to và chắc hơn. Thiếu lưu huỳnh thì dễ bị bệnh bạc lá, năng suất giảm nhưng nếu dư thì cũng sẽ gây độc cho cây.

Các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm, man gan, sắt, clo cũng đều cần thiết cho cây, nhất là những vườn cà phê lâu năm. Nên bón vi lượng cho cây bằng phân bón lá 4 lần/năm.

Hiện tượng rụng trái non rất dễ xảy ra với những vườn bón thiếu phân hoặc bón phân không cân đối do cây phải tự điều chỉnh cho rụng bớt để tập trung dinh dưỡng cho những trái còn lại. Rụng trái non chủ yếu xảy ra với những vườn kém phát triển, những trái gần gốc sẽ rụng trước, phía ngoài cành rụng sau.

Ngoài lý do dinh dưỡng, việc rụng trái non xảy ra còn bởi sâu bệnh hại. Những trái bị đốm đen nơi cuống quả, những cành bị tảo rong đóng đều bị rụng trái. Tảo, rong ký sinh trên cành “ăn chặn” dinh dưỡng của quả khiến cho quả bị rụng. Trong những trường hợp này phải dùng thuốc BVTV.

CHĂM SÓC VƯỜN TÁI CANH

Việc tái canh cho cà phê gặp một số trở ngại do phần lớn những vườn này đều đã trên 20 năm tuổi, già cỗi năng suất thường chỉ đạt dưới 1,5 tấn/ha và không có khả năng phục hồi. Mặt khác vườn lại bị nhiều tuyến trùng nên cây trồng mới tái canh rất dễ bị tấn công.

Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có 202.000 ha cà phê, trong đó có 38.000 ha trên 20 tuổi và 56.000 ha trên 15 tuổi, bởi vậy từ nay đến năm 2020, mỗi năm Đăk Lăk cần tái canh 7.000 – 8.000 ha.

Tới nay tỉnh này đã tái canh được 2.644 ha nhưng chỉ có 62% thành công tập trung ở các công ty lớn có tiềm năng tài chính và kỹ thuật cao, còn lại 38% không thành công chủ yếu ở các hộ nông dân SX nhỏ lẻ.

Kỹ thuật và giống là 2 yếu tố quyết định đến thành bại của việc tái canh cà phê. Nếu vườn chỉ bị già cỗi năng suất thấp thì nên tái canh, còn nếu bị sâu bệnh nặng thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác sẽ có hiệu quả cao hơn.

Vườn tái canh cần được nhổ bỏ và rà kỹ tất cả các bộ phận của cây từ rễ lên đến thân, lá, thu gom đưa ra khỏi vườn và đốt bỏ, sau đó cày sâu đến 50 – 60 cm để thu nhặt các rễ nhỏ. Xong xuôi cần lấy mẫu đất phân tích mật độ tuyến trùng.

Hiện có 3 cơ quan nghiên cứu thực hiện dịch vụ này được tin tưởng là Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Sinh thái tài nguyên thực vật và Viện BVTV.

Kết quả phân tích tuyến trùng sẽ cho ta kế hoạch luân canh cây trồng mới trước lúa trồng cà phê lại nhưng tối thiểu cũng phải 1 năm và thông thường phải 2 – 3 năm trồng bắp, đậu thì việc tái canh cà phê mới thành công.

Hố đào trồng cà phê phải đạt 60 x 60 x 60 cm, mỗi gốc cần bón 20 kg phân chuồng ủ hoai,trộn với 1 kg vôi và ½ kg lân nung chảy trước lúc trồng 1 tháng. Nếu không có phân chuồng cần sử dụng 4 kg phân hữu cơ khoáng đầu trậu cho mỗi gốc.

Cà phê được trồng ngay giữa hố, mặt bầu cách mặt đất 10 – 15 cm. Nên sử dụng giống cây vô tính đã được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên phóng thích. Cũng có thể sử dụng hạt giống do viện này cung cấp để ươm. Dùng dao sắc cắt đáy bầu 1 – 2 cm, nếu thấy rễ cọc cong, xoắn thì nên loại bỏ.