Trên vùng đất cát pha cằn cỗi, từ hơn 10 năm nay người dân một số xã ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã đưa cây ớt về trồng thay thế cho những cây trồng truyền thống và đã cho giá trị tới trên 200 triệu đồng/ha…
Trồng ớt thu nhập 200 triệu đồng/ha
Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn (trên 8.000ha), nhưng đất đai Tam Dương không được màu mỡ, 100% diện tích là đất cát pha, hay bị hạn hán, không thích hợp với cây lúa. Ông Nguyễn Văn Ngọc – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết: “Với đặc điểm như thế, chỉ có cách trồng các loại cây rau màu hàng hoá mới đem lại hiệu quả cao”. Năm 1986, cây ớt đỏ đã được vào trồng xen canh tại xã Vân Hội. Tuy nhiên, do trồng xen canh và đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tới năm 1998, nhận thấy cây ớt ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận, UBND xã Vân Hội đã phát động phong trào “toàn dân trồng ớt” thu hút 90% sốá hộ tham gia. Ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hàng năm, chúng tôi dành ra 25-30% diện tích đất nông nghiệp để trồng cây ớt, trung bình mỗi hộ trồng được 2- 7 sào”. Sau 5 năm chuyển đổi, đến nay toàn xã đã trồng được trên 50ha, nhiều hộ có thu nhập 30- 40 triệu đồng/năm nhờ trồng ớt.
Thời gian trồng ớt thích hợp nhất vào tháng 2 âm lịch (vụ xuân), tháng 7 (vụ mùa) và tháng 10 (vụ đông), ớt được quay vòng 2,5-3 vụ/năm. Thông thường ớt sẽ bắt đầu cho thu hoạch sau khi trồng 2 tháng và kéo dài đến 4- 5 tháng mới hết một lứa. Theo ông Minh, nếu chăm sóc tốt, bình quân cứ 2 ngày sẽ hái một lần. Sản lượng ớt trung bình đạt 2,1- 2,5 tấn/sào. Với giá bình quân 4.000 đồng/kg, 1 sào ớt có thể thu về tới trên 8 triệu đồng, tính ra giá trị canh tác có thể đạt tới mức trên dưới 200 triệu đồng/ha. Ông Trần Văn Sính, một hộ trồng được 3 sào ớt cho biết: “So với các loại cây khác, ớt phải đầu tư khá cao, mỗi sào từ khi trồng đến lúc thu hoạch xong đợt cuối cũng phải mất 1,5-2 triệu đồng, vì vậy nếu không có thị trường ổn định là có thể thua lỗ ngay”. Năm ngoái nhờ biết cách trồng ớt trái vụ, ông Sính đã thu tới hơn 30 triệu đồng. Theo ông Sính, thị trường tiêu thụ ớt hiện nay ngày càng được mở rộng vì thế nếu biết làm trái vụ có thể bán được 20.000- 30.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Ngoài Vân Hội, Tam Dương còn có rất nhiều xã cũng phát triển nghề trồng ớt như Hoàng Lâu, Duy Phiên… tổng diện tích đạt gần 90ha/năm với sản lượng 465 tấn, giá trị kinh tế thu được từ cây ớt ở Tam Dương có khả năng đạt 15-20 tỷ đồng/năm. Hiện nay người trồng ớt hầu như không phải lo về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, bởi ớt thu hoạch tới đâu được thu mua hết tới đó.
Dầy công chăm bón
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc – Trưởng phòng Nông nghiệp, ớt là cây có đặc điểm sinh trưởng hết sức phức tạp, mất nhiều công chăm bón, người nông dân phải có kinh nghiệm về kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh tốt, ớt mới đạt năng suất cao. Ở Tam Dương hiện nay bà con trồng phổ biến là các giống ớt vàng, ớt ngọt, ớt xào, những giống này phần lớn bà con đều tự lo liệu được.
Quy trình trồng ớt khá công phu, sau khi ươm giống cho ớt mọc cao lên khoảng 5-7cm thì đem ra trồng. Ớt được trồng thành luống, mỗi luống rộng 1,2m, chia thành 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 0,4- 0,5m. Ớt là cây rất ưa phân gia súc, đặc biệt là phân gà, do đó trước khi trồng phải bón lót cho ớt một lượng phân tương đối lớn, 5- 6 tạ/sào. Trong thời gian thu hoạch, phải thường xuyên bón bổ sung đạm, lân, kali cho ớt tiếp tục sinh trưởng, vào lúc thu hoạch rộ có thể bón với mật độ 3 lần/tuần. Anh Nguyễn Văn Trâm (thôn Lực Điền, xã Hoàng Lâu) trồng 6 sào ớt, cho biết: “Nghề trồng ớt này lúc nào cũng bận như chăm sóc “con mọn”, chỉ cần sơ ý để ớt nhiễm bệnh không kịp thời phòng trừ coi như bỏ đi”. Theo thống kê, hàng năm các loại sâu bệnh gây thiệt hại khoảng 10- 15% diện tích và sản lượng toàn huyện Tam Dương. Những loại sâu, bệnh mà ớt hay gặp phải nhất là sâu vẽ bùa, rệp, sẩn đốt, sẩn gốc, sương mai gây ủng, héo và rụng quả. Khi mắc phải hầu hết không thể chữa được vì chúng thường có khả năng kháng thuốc rất cao. Ông Ngọc cho biết, cách tốt nhất là phải phòng bệnh cho ớt ngay từ lúc trồng như phơi khô đất, khử trùng bằng vôi bột. Đồng thời kết hợp phun thuốc theo định kỳ để hạn chế sự phát triển của bệnh, ngoài ra có thể sử dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), phương pháp này tuy có một số ưu điểm tích cực nhưng năng suất lại không cao.