Đây là cây họ Lác (Cyperaceae), thân hình trụ tròn, cao đến một mét hay hơn, khi khô có màu vàng rơm.
Cây mọc tự nhiên bằng hạt trôi theo nước hoặc từ gốc mùa trước. Có khả năng chịu được độ mặn trong nước lên đến 20 phần ngàn và ngập sâu đến 0.5m.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, hến biển tìm thấy dọc theo vùng duyên hải, từ Cần Giờ (TP. HCM) đến tận Hà Tiên (Kiên Giang). Trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, hến biển là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão.
Trong hệ sinh thái ruộng nuôi tôm, cây hến biển giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra, do đó làm tăng nồng độ khí oxy. Hến biển là nhóm cây tích lũy (accumulator) nên có thể dùng để cải thiện độ mặn trong đất (vì có thể hấp thu được muối và tích lũy trong thân).
Tôm sú lớn lên chúng ăn các rễ non của cây hến. Kinh nghiệm của nông dân là nên giữ cây hến biển khoảng 30% diện tích nuôi sẽ làm tôm lớn nhanh và ít bị rủi ro. Khảo sát từ năm 2003 cho thấy là các ao nuôi có cây hến biển chịu rủi ro ít hơn các ao nuôi khác, đặc biệt là trong đợt nắng nóng và tôm chết hàng loạt năm 2004, sự chênh lệch này là càng cao.
Điều cần lưu ý là hến biển tăng trưởng rất nhanh và hệ thống rễ dày đặc, do đó khi diệt chúng sẽ tốn rất nhiều công và phải làm sạch cả phần gốc rễ, nếu không sự phân hủy các chất hữu cơ tươi này sẽ làm giảm chất lượng nước vuông tôm.
Trong thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân khi không thể trồng lúa họ vẫn tìm cách để duy trì thực vật trên ruộng, như trồng cây năng xoắn (Eleocharis spiralis). Năng xoắn chịu được mặn cao hơn lúa, nhưng nhược điểm là phải trồng lại mỗi năm, nên rất tốn công. Vì vậy, hến biển được xem là cây thích hợp hơn, do chịu mặn cao hơn và có thể tự phục hồi nhờ gốc còn lại của mùa trước.
Các giải pháp như cải thiện giống tôm sú sạch bệnh; quy trình và kỹ thuật nuôi cải tiến như nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi ghép (tôm – cua), nuôi luân canh (một vụ tôm tiếp theo một vụ cá như cá kèo hoặc cá rô phi; hoặc một vụ tôm tiếp theo một vụ lúa…). Mục tiêu của các nỗ lực này là nhằm duy trì năng suất tôm sú và giữ được tính bền vững của môi trường sản xuất. Tuy nhiên, xét theo quan điểm sinh thái bền vững, thì ngoài mô hình nuôi luân canh tôm – lúa các mô hình còn lại đều không có sự hiện diện của thực vật, một thành phần quan trọng để giữ hệ sinh thái ao tôm ổn định.
Trong mô hình nuôi tôm – lúa, do kéo dài thời gian nuôi tôm và giữ nước mặn sâu, nên mặn đã thấm sâu vào trong đất sau 3 – 5 năm. Do đó, những năm sau nông dân phải cấy lúa trễ vì thời gian rửa mặn kéo dài, làm lúa dễ bị mặn ảnh hưởng cuối vụ. Ngay cả trong mùa mưa, chỉ cần 7 – 10 ngày không mưa là mặn trong đất sẽ xì lên. Do đó, việc duy trì mô hình nuôi tôm – lúa sẽ còn là thách thức cho nông dân và các nhà khoa học.
Tags: cay hen bien, phuc hoi moi truong ao nuoi tom, ao nuoi tom, xu ly ao nuoi, tao oxy ao nuoi tom