Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Cảnh báo về bệnh vi bào tử trùng ở tôm

Bệnh EHP là gì?

Enterocytozoon hepatopenaei-EHP là một vi bào tử ký sinh được ghi nhận và đặt tên trên tôm sú từ Thái Lan năm 2009. Vi bào tử trùng này được tìm thấy ở những con tôm chậm lớn, nhưng nó không liên quan đến sự chậm lớn tại thời điểm đó. EHP cũng được phát hiện trong gan tụy tôm và có hình thái tương đồng một vi bào tử trùng chưa được đặt tên, tìm thấy trong hệ gan tụy của tôm he Nhật Bản (P.japonicus) tại Australia năm 2001.

Mức độ nguy hiểm

EHP không phải là nguyên nhân gây chết ở tôm. Tuy nhiên, những thông tin từ những người nuôi tôm chỉ ra rằng EHP liên quan đến sự chậm phát triển nghiêm trọng của tôm thẻ chân trắng (P.vannamei). Do đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Mahidol (Thái Lan) đã khuyến cáo nông dân châu Á và các nhà quản lý trại giống theo dõi EHP ở tôm bố mẹ và tôm giống (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) từ sau 2009. Tuy nhiên, những lời cảnh báo này không được chú ý, vì mọi sự tập trung đều hướng về hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

Các nhà khoa học lo ngại rằng sự thiếu quan tâm đến EHP sẽ dẫn đến việc lây lan và bùng phát bệnh do trùng hai tế bào trong hệ thống nuôi. EHP có thể được “ngụy trang” bằng sự hiểu lầm là tôm bị bệnh EMS/AHPND vì tôm tăng trưởng chậm, sức khỏe kém và có thể dẫn đến chết sớm. Điều này có thể đã diễn ra trong những năm gần đây.

Đã có thông tin cho thấy dịch bệnh do EHP đang xảy ra rộng rãi ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan. Các nhà khoa học đã nhận được kết quả PCR dương tính với EHP từ những mẫu tôm có dấu hiệu tăng trưởng chậm ở Ấn Độ. Do vậy, EHP là một vấn đề nguy cấp và cần được nhanh chóng kiểm soát.

Kiểm soát EHP thế nào?

Để phát hiện EHP, có thể dùng phương pháp PCR và LAMP. Nhiều số liệu cho thấy, TTCT sạch bệnh (SPF) nhập khẩu vào Thái Lan đều âm tính với EHP, nhưng sau đó thường bị lây nhiễm EHP tại các trại sản xuất giống, do an toàn sinh học ở các trại sản xuất giống rất kém. Một trong những lỗi nghiêm trọng là sử dụng thức ăn tươi sống (giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ,…) từ các nguồn trong nước hoặc nhập khẩu để làm thức ăn cho tôm bố mẹ.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng một số TTCT bố mẹ SPF nhập khẩu nhiễm EHP, bởi EHP không trong danh sách kiểm dịch của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nên các nhà cung cấp tôm SPF và các cơ quan kiểm dịch thường bỏ qua việc kiểm tra EHP trên tôm SPF. Vấn đề này cần được sớm khắc phục bằng việc bổ sung EHP vào danh mục bệnh cần được kiểm tra để công nhận tôm SPF bởi các nhà cung cấp tôm SPF và các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm dịch.

Những cách kiểm soát EHP được khuyến cáo

– Đối với trại giống: Các trại sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống cần phải đảm bảo an toàn sinh học. Các thiết bị sử dụng, nguồn thức ăn phải sạch, đảm bảo… Tôm bố mẹ cũng phải được kiểm tra EHP từ ban đầu.

– Đối với trại nuôi tôm thương phẩm: Cần sử dụng tôm giống không bị nhiễm EHP; cải tạo ao nuôi kỹ, tiêu diệt bào tử EHP. Để diệt EHP, có thể sử dụng vôi nung CaO với liều lượng 5 – 6 tấn/ha. Ao cần được cày đáy, bón vôi, phơi khô trước khi cấp nước vào nuôi.

Tags: benh vi bao tu trung o tom, nuoi tom, nuoi trong thuy san, benh thuy san, thuoc thuy san