Con giống: yếu và thiếu
Tổng cục Thủy sản cho biết: Đến hết tháng 10/2012, diện tích thả giống tôm cả nước 657.114 ha, bằng 101,2% so cùng kỳ năm 2011 – trong đó tôm sú 621.535 ha, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 35.575 ha; diện tích thiệt hại 78.796 ha, bằng 88,3% so cùng kỳ năm 2011; thiệt hại bởi hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính hơn 30.000 ha (chủ yếu nuôi thâm canh, bán thâm canh), bởi bệnh khác và do sốc môi trường hơn 40.000 ha.
Nhiều ý kiến cho rằng dịch bệnh phát sinh từ con giống kém chất lượng và nhiễm bệnh. Song thực tế tại vùng có dịch, dù mua giống ở cơ sở có uy tín giá cao hay cơ sở ít uy tín giá rẻ hơn, mức độ thiệt hại gần như nhau. Vì vậy, chất lượng tôm giống vẫn đang là bài toán khó, bởi chất lượng tôm giống không đều, những cơ sở có uy tín con giống được tiêu thụ rất tốt, giá cao. Thời điểm chính vụ nuôi, giá giống tôm sú 50 – 70 đồng/con, TTCT 70 – 80 đồng/con; ngoài thời vụ nuôi, các cơ sở hạ giá hoặc vẫn giữ giá bán giống cao nhưng “tặng” thêm số lượng 1,5 – 2 lần.
Hiện, cả nước có 1.529 cơ sở tôm sú, sản xuất được hơn 37 tỷ con giống và có 185 cơ sở TTCT, sản xuất được gần 30 tỷ giống. Số lượng cơ sở giảm gần 600 so với năm 2009 nhưng quy mô cơ sở lại lớn hơn. Tuy việc sản xuất tôm giống đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nhưng năm 2012 điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều cơ sở nuôi phải thả lại giống nên lượng giống tiêu thụ nhiều, sản xuất đôi khi không đáp ứng kịp, giá giống khá cao.
Sản xuất chưa đồng bộ
Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Vấn đề nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh luôn được các cơ sở đặc biệt quan tâm. Hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống luôn chấp hành đầy đủ quy định quản lý, sử dụng tôm bố mẹ có nguồn gốc, đúng thời hạn theo quy định và quan tâm lợi ích khách hàng. Các địa phương cũng tổ chức quản lý điều kiện sản xuất kinh doanh giống rất tốt. Tuy nhiên, số cơ sở sản xuất có quy mô lớn, được trang bị đầy đủ phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ quá trình sản xuất giống còn hạn chế, đa phần là trại sản xuất và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở không đảm bảo, công nghệ không được đầu tư nhiều nên nguồn con giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng còn thiếu.
Bên cạnh đó vẫn còn một lượng tôm giống chất lượng thấp và còn một số cơ sở sản xuất TTCT sử dụng tôm bố mẹ F1 ảnh hưởng tới kết quả nuôi trồng đã bị phát hiện và xử lý. Hiện, vấn đề kỹ thuật trong nuôi TTCT chưa được các cơ quan quản lý tổng kết kinh nghiệm; chưa hướng dẫn kỹ thuật kịp thời; tình trạng không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến kết quả thấp thường được cho là do chất lượng giống thấp.
Cần giải pháp hữu hiệu
Vấn đề chất lượng tôm giống không phải đến giờ mới được bàn luận. Quan trọng là tìm ra giải pháp nào hữu hiệu nhất, nhằm giải quyết nhu cầu tôm giống trong sản xuất của người dân, đặc biệt tại ĐBSCL.
Xem xét chất lượng tôm giống phải bắt đầu từ nguồn tôm bố mẹ. Tôm sú bố mẹ, chủ yếu khai thác từ vùng biển Rạch Gốc (tỉnh Cà Mau), vùng nước gần bờ, nên hệ số thành thục không cao, phương pháp khai thác chủ yếu là giã cào khiến tôm bị xây xát, yếu, dễ nhiễm bệnh; phần lớn tôm bố mẹ khai thác không qua kiểm dịch, không xét nghiệm bệnh nguy hiểm. TTCT bố mẹ, phần lớn được nhập từ Singapore, Thái Lan, Mỹ… cũng gặp khó trong kiểm dịch.
Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Nghề cá Bạc Liêu cho rằng, cần tập trung củng cố chất lượng tôm giống, thực hiện vùng sản xuất giống tập trung (như tại Bạc Liêu Bộ NN&PTNT đã chọn xã Long Điền Tây, huyện Long Hải). Tôm bố mẹ cần được tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc. Đồng thời, phải tuyên truyền sao cho các cơ sở sản xuất tôm giống thực hiện nghiêm túc quy trình, đảm bảo sản xuất nguồn giống sạch bệnh; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất giống cho cán bộ kỹ thuật ở trại sản xuất tôm giống các địa phương…
Tags: quan ly tom giong, tom bo me, nuoi trong thuy san