Tại các hội thảo bàn về tái cấu trúc ngành hàng cá tra gần đây, nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ đã được đưa ra, trong đó nâng cao chất lượng con giống và ứng dụng công nghệ nuôi mới là bước đi đầu tiên dẫn đến thành công trong tái cấu trúc.
Lo lắng chất lượng cá giống
Theo Tổng cục thủy sản (Bộ NN & PTNT), hiện nay các tỉnh ĐBSCL có khoảng 230 cơ sở sản xuất giống cá tra và trên 4.000 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250 ha. Tuy sản lượng cung cấp đủ nhưng chất lượng cá tra giống chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do thời gian qua giá cá tra giống thấp nên chưa khuyến khích được các cơ sở sản xuất tập trung sản xuất với quy mô lớn vì vậy rất khó quản lý chất lượng cá tra giống tại các địa phương. Bên cạnh đó, giá cá bột không có sự khác biệt giữa cá có cải thiện di truyền và cá tại địa phương. Từ đó, các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư theo đúng quy trình đối với đàn cá cải thiện di truyền.
Ông Nguyễn Văn Sáng, phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết, một trong những vướng mắc trong hoạt động sản xuất giống cá tra hiện nay là cá bố mẹ hậu bị có nguồn gốc không rõ ràng, không được tuyển chọn và kích thước nhỏ. Đa số cá bố mẹ được tuyển chọn từ ao nuôi cá thịt chiếm tới hơn 57%, còn lại bắt từ tự nhiên và số rất ít từ con giống đã qua chọn lọc. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ chưa đạt, còn tình trạng đẻ ép, khai thác quá mức bằng cách cho cá tra bố mẹ đẻ nhiều lần trong năm, nhất là khi giá cá tra giống nằm ở mức cao.
Công nghệ nuôi chưa hoàn chỉnh
Ông Nguyễn Văn Đời, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Mấy năm trước, chi phí thuốc thú y trong nuôi cá tra thịt khoảng 600 đồng/kg nhưng bây giờ lên tới hơn 1.000 đồng/kg. Vừa rồi nghe thông tin có mấy kỹ sư của một công ty thuốc “bao” phần thuốc thú y cả vụ nuôi cá tra chỉ 600 đồng/kg nên chúng tôi cũng đang phấn khởi dù chưa biết kết quả thế nào”.
Ông Dương Thanh My, nuôi cá tra ở cùng xã cũng cho biết, giá thành nuôi cá tra của ông chỉ 20.000 – 21.000 đồng/kg nên những đợt giá cá tra thịt chỉ 22.000 – 23.000 đồng/kg thì ao nuôi cá tra của ông vẫn có lãi. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá do không nắm kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, có giá thành nuôi cá lên tới 23.000 – 24.000 đồng/kg nên coi như lỗ nặng.
Theo nhiều hộ nuôi cá tra ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tỷ lệ chết cá tra nuôi thâm canh ở địa phương này phổ biến ở mức trên 50%, thậm chí có hộ bắt cá giống không tốt, thả giống lúc thời tiết bất lợi nên tỷ lệ cá chết lên đến 60 – 70%. Hiện nay, nhiều bệnh gây hại nặng nề trên cá tra nhưng việc tìm ra tác nhân, phương pháp phòng trị hiệu quả vẫn là bài toán khó giải đối với các nhà khoa học khiến chi phí sản xuất trong quá trình nuôi cho con giống, thuốc thú y ngày càng cao, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm.
Ông Phan Hữu Hội, phó chủ tịch Hội nghề cá Tiền Giang cho biết, nhiều hộ nuôi thả giống với mật độ cao đến 100 con/m2 với suy nghĩ thả cá nhiều để cá chết tới thu hoạch là vừa. Điều này làm cho ao nuôi cá tra khó quản lý, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh tăng, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Hơn nữa, hầu như các hộ nuôi cá tra không bố trí ao lắng, ao xử lý nước thải mà xổ xả nước trực tiếp vào nguồn nước mặt trên sông làm cho mầm bệnh luôn có sẵn trong nguồn nước và sẵn sàng đi vào ao nuôi.
Bước đi đầu tiên trong tái cấu trúc
Tại hội thảo “Tái cấu trúc ngành hàng cá tra gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp ĐBSCL” được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cho rằng, nâng cao chất lượng giống và ứng dụng công nghệ nuôi mới là bước đi đầu tiên trong tái cấu trúc ngành cá tra. Việc triển khai dự án nâng cao chất lượng cá tra bố mẹ qua chọn lọc di truyền của Bộ NN & PTNT vô cùng cần thiết. Đối với khâu ươm giống, các tỉnh cần dành ra một phần đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách miễn tiền thuê đất, ưu đãi thuế để khuyến khích nông dân có tay nghề có thể thuê đất để ươm cá tra giống. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể yên tâm đặt hàng con giống có chất lượng, không sử dụng kháng sinh với mặt bằng giá cả đảm bảo người ươm giống có lãi. Đối với khâu nuôi, Bộ NN & PTNT đồng ý với doanh nghiệp là có thể nâng mật độ thả giống lên trên 40 con/m2 bằng cách ứng dụng công nghệ nuôi mới để nâng cao sản lượng, hiệu quả nuôi; đồng thời cần cải thiện chất lượng thức ăn cá, kỹ thuật chăm sóc… để hệ số thức ăn (FCR) nuôi cá tra giảm 0,2 (giảm 0,2 kg thức ăn để tạo ra 1 kg cá), bởi chỉ cần FCR giảm được 0,2 thì đã tiết kiệm được cho đất nước 100 triệu USD.
Theo PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Hương – khoa thủy sản, Trường đại học Cần Thơ, hiện nay những ao nuôi cá tra thâm canh có độ sâu từ 4 – 4,5 m, mật độ nuôi lên đến gần 100 con/m2 nhưng chỉ sử dụng phương pháp thay nước một phần theo sự biến động thủy triều trong ngày. Tuy nhiên, cá tra sống và hoạt động chủ yếu ở tầng mặt (0,5 m) nên tình trạng thiếu oxy ở những lúc cao điểm (22 giờ đến 9 giờ) hay ở những tầng nước sâu hơn là điều không thể tránh khỏi. Khi hàm lượng oxy hòa tan thấp, cá buộc phải bơi lên tầng mặt để lấy oxy từ không khí nên bị mất năng lượng, làm giảm tốc độ tăng trưởng. Để khắc phục hạn chế này, người nuôi cá cần sử dụng phương pháp sục khí để tăng hàm lượng oxy trong nước, giảm bớt khí độc, giảm tiêu tốn năng lượng, giảm stress, cải thiện tốc độ sinh trưởng, tăng mật độ nuôi, sản lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của cá.