Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “nước tĩnh” được cho là hướng đi mới, phù hợp điều kiện Cà Mau, nhất là đối với những hộ ít đất, thiếu vốn, trình độ kỹ thuật còn kém. Mô hình này có tác động tích cực trong bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Mô hình nuôi này hiện được nông dân trong tỉnh áp dụng trên hơn 1.000ha, phần lớn đều cho kết quả rất khả quan và đang có xu thế mở rộng.
Ưu điểm nổi bật là nông dân trong vùng nuôi được tổ chức lại sản xuất khá tốt:
Thực hiện sên vét, lấy nước tương đối đồng loạt; có áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở mức độ đơn giản qua việc biết phơi đáy ao đầm; có dùng phân bón, men vi sinh, xử lý nước trước khi thả tôm, …
Tuy nhiên, để mô hình hiệu quả cao và bền vững hơn, nên nuôi có ao vèo, ao lắng, khu lắng xử lý nước riêng và có thể theo lộ trình:
Chuẩn bị mua một lần đủ lượng tôm giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng theo mật độ 2 – 3 con/m2 cho cả ruộng nuôi, thả trước vào ao vèo để có điều kiện chăm sóc tốt nhằm đạt đầu con.
Sau khi chuẩn bị xong ruộng nuôi đảm bảo các yếu tố môi trường nước thì cho ra ruộng và vẫn dùng ao – khu lắng để châm bù nước bốc hơi.
Khi tôm đã lớn thì mở cả ao lắng cho tôm qua thành ao nuôi luôn cho đến khi thu hoạch.
Như thế mặt ruộng vẫn đảm bảo 100% diện tích nuôi, trừ bờ bao, mà vẫn đảm bảo có vèo, có ao – khu lắng đúng quy trình kỹ thuật.
Có điều tùy giai đoạn tôm nhỏ – lớn mà ta thay đổi mật độ nuôi giãn ra phù hợp, đây cũng là cách thay đổi môi trường sống, kích thích tôm lớn nhanh hơn.
Về độ sâu mực nước ruộng nuôi, phải đảm bảo đạt hơn 0,5m, điều này nhìn chung vùng đất trũng là không khó, nhưng ở vùng ruộng gò, nhiều cua còng soi mội, hay nơi đất hàm lượng sét thấp không giữ được nước là khó đạt, nhất là trong mùa khô ở vụ nuôi chính, tháng 2 – 5.
Cho nên giải pháp để đảm bảo độ sâu, là những nơi đó nhất thiết phải đào hạ thấp mặt đất ruộng gò theo mô hình 2-5-3.
Tức là đào đắp làm sao để đảm bảo chia ruộng thành: 2 phần bờ (lấy đất đắp từ việc đào, sên vét ao nuôi), 3 phần ao nuôi (có thể nuôi thâm canh hay nuôi mật độ cao) và 5 phần ruộng để vừa có thể cấy lúa vào mùa mưa, vừa làm ao – khu lắng nước và thành khu nuôi mở rộng trong vụ nuôi chính.
Về mật độ nuôi, trong mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “nước tĩnh” này, nông dân chấp nhận thả tôm giống thưa 2 – 3 con/m2 là bước tiến đáng ghi nhận.
Nhưng chuyện thả nối tiếp thêm các đợt tôm giống hay thả gối đầu trong vụ nuôi thì không khác cách nhiều nông dân vẫn đang làm, phải thận trọng và không nên khuyến cáo, chỉ nên chọn đủ giống tốt, thả một lần theo lộ trình “bung rộng sau vèo, ra lắng” như nêu trên, để chủ động tránh lây nhiễm bệnh từ nguồn giống thả sau…
Và chuyện phơi đáy, cắt vụ luân canh hàng năm là một tiến bộ đáng ghi nhận rất nên khuyến cáo, nhưng nếu được kết hợp luân canh với cấy lúa hay cây – con hệ ngọt vào mùa mưa, hoặc xen canh thêm cua, cá phù hợp trong vụ tôm nuôi chính sẽ càng hiệu quả cao hơn.
Tóm lại, mô hình nuôi tôm quảng cảnh cải tiến “nước tĩnh” cần được nghiên cứu bằng một đề tài khoa học nghiêm túc, để có số liệu thuyết phục, đảm bảo tính khoa học lẫn thực tiễn, để có cơ sở hiệu chỉnh thành “quy trình nuôi chuẩn”, khả thi và có tính an toàn cao trước khi triển khai nhân rộng đại trà, đảm bảo không có những sơ suất đáng tiếc!