Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Cách trồng mồng tơi cho lá xanh tươi, nhanh thu hoạch

Mồng tơi là cây ưa ngày ngắn, sinh trưởng tốt tại những nơi đất thấp trong vùng nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp từ 25 – 30 độ C. Cây mồng tơi mọc nhanh, dây có thể dài đến 10 m.

Mồng tơi có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất, nhưng đất cát là thích hợp nhất. Độ ẩm trong đất có tác dụng kích thích mồng tơi ra hoa.

Mồng tơi được gieo trồng chủ yếu trong vụ xuân và thu hoạch suốt vụ hè thu. Thời vụ gieo trồng từ đầu tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9. Tuy nhiên các tỉnh phía Nam có thể trồng quanh năm.

Có 3 loại giống phổ biến trong sản xuất: mồng tơi trắng (phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt); mồng tơi tía (phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ); mồng tơi lá to nhập từ Trung Quốc (lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non, ít nhớt và cho năng suất cao).

Cách trồng mồng tơi cho lá xanh tươi, nhanh thu hoạch

Cách trồng hiệu quả

Giống:

– Trồng mồng tơi chủ yếu bằng hạt. Hạt mồng tơi dễ mọc nên gieo thẳng trực tiếp trên luống. Lượng hạt giống gieo cho 1.000 m2 từ 2,5 – 3 kg. Hạt mồng tơi trồng bằng cách rạch hàng. Dùng cây que nhỏ chọc lỗ để bỏ hạt.

– Gieo xong rải thuốc chống kiến, dế, mối trong đất (sử dụng Vibasu 10 H) và phủ lên trên một lớp rơm mỏng để giúp tạo ẩm độ cho hạt nhanh nẩy mầm và không bị mất trôi hạt. Tưới nước để giữ ẩm độ, một tuần sau là hạt nẩy mầm.

Làm đất:

Mồng tơi là một loại cây tương đối dễ trồng, thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau nhưng tốt nhất vẫn là đất thịt nhẹ, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Trước khi gieo hạt nên cày bừa làm đất thật nhỏ.

 

Chọn loại đất thịt nhẹ, thịt trung bình, đất cát pha pH từ 6,0 – 6,7. Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ trước khi gieo trồng, luân canh với cây trồng khác họ. Lên luống với độ rộng 1 – 1,2 m; rãnh luống 0,2 – 0,3 m; cao 25 – 30 cm. Lượng hạt gieo khoảng 20 – 21 kg/ha. Có thể gieo thẳng theo hàng hoặc gieo cây con rồi tỉa cây khi có 2 – 3 lá thật. Khoảng cách cây con 20 – 25 cm x 20cm/cây. Mật độ 165.000 cây/ha.

Bón phân:

Phân hữu cơ cần ủ thật hoại, xử lý diệt vi khuẩn theo hướng dẫn. Phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống. Trước lúc thu hoạch rau 7 – 10 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao.

Tùy theo từng loại đất, giống, các giai đoạn sinh trưởng của cây mà tính toán lượng phân bón hàng năm cho cây thích hợp. Đặc biệt là các loại phân có hàm lượng chất hữu cơ cao như phân hữu cơ khoáng vedagro dạng viên có hàm lượng hữu cơ 45%; N: 9%; P2O5: 0,3%; K2O: 4,5%, ngoài ra còn có một số dinh dưỡng trung lượng, vi lượng, axít amin và vitamin.

Bón phân hữu cơ khoáng vedagro dạng viên cho 1.000 m2 như sau: Mồng tơi trồng mới bón lót trước khi trồng 50 kg phân hữu cơ khoáng Vedagro + 50 kg phân lân. Bón thúc sau khi trồng 15 ngày với 20 kg urea. Mồng tơi gốc, sau mỗi lần thu hoạch cần bón 50 kg phân hữu cơ khoáng vedagro .

Chăm sóc và tưới nước:

-Mồng tơi dễ sống, ít sâu bệnh hại nên việc chăm sóc chủ yếu là tưới nước và bón phân.

– Các loại bệnh hại trên mồng tơi chủ yếu là sâu hại. bệnh phổ biến là đốm  lá. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như luân canh với cây trồng khác, làm giàn che mưa, trồng cây trong nhà lưới, bón phân cân đối nhưng phải đảm bảo cách ly 10 ngày. Đối với bệnh đốm lá có thể sử dụng Daconil 500 SC phun trừ.

Thu hoạch:

Sau trồng khoảng 1 tháng có thể thu hoạch. Dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5 – 10 cm. Từ đó trở đi khoảng 12 – 15 ngày lại thu được một lứa. Nên thu vào buổi sáng sớm, thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi, kém phẩm chất.

Để giống: 

Khi thấy cây già thì thôi thu hái, để cho cành nhánh ra quả, tháng 10-11 hái quả phơi khô cất để giống