Còn nuôi thì luôn mắc phải một vấn đề hết sức nan giải là con giống. Nhưng từ năm 2005, tại tỉnh Bến Tre, một nông dân đã thành công trong việc cho cá bống tượng đẻ…
Anh Nguyễn Văn Bảo (Tám Bảo) ngụ ấp An Phú, xã An Quy (Tân Phú-Bến Tre) là nông dân chỉ có một công đất nông nghiệp. Năm 1998, vợ chồng anh thuê 20 công đất để nuôi tôm sú. Sau hai năm với một vụ huề vốn và mấy vụ lỗ, vợ chồng anh mất trắng mười mấy cây vàng, cuộc sống đã gần như bế tắc.
Nhưng trong lúc túng quẫn anh Bảo đã nẩy ra việc nuôi cá bống tượng để cầu may. Không ngờ vụ đầu tiên, chỉ trên công đất vừa ở vừa nuôi cá, anh Bảo thu được 130 triệu đồng. Từ đó nghề nuôi cá bống tượng đã ra đời ở xã An Quy mà người tiên phong là anh Tám Bảo.
Là một nông dân cần cù và chịu học hỏi, ngay từ những năm còn nuôi tôm sú, anh Bảo đã để ý đến con cá bống tượng-một loài cá nước ngọt chỉ có ở miệt đầu nguồn sông Cửu Long.
Một lần sau bão, vùng Tân Phú bỗng xuất hiện khá nhiều loài cá này. Rồi dường như con cá bống tượng cũng thích nghi được với môi trường nước lợ. Nuôi cá bống tượng, nguồn con giống là vấn đề quyết định cho thắng lợi một vụ nuôi. Bấy giờ, anh Bảo đi tìm mua cá con từ những hộ đánh bắt trên sông nhưng kích cỡ không đồng đều, cá con bị trầy xước, dễ gây bệnh…
Năm 2000, với vụ cá thịt đầu tiên thắng lợi cùng những bức xúc từ con giống, anh bắt đầu nghiên cứu cho con cá bống tượng đẻ. Sau hơn 4 năm tìm tòi học hỏi và nghiên cứu, tháng 7/2005 con cá bống tượng của anh Bảo đã cho ra ổn định mỗi tháng hàng trăm ngàn con giống với chất lượng cao.
Theo bà con ở đây thì nuôi cá bống tượng không khó, chỉ cần có nguồn nước ngọt hoặc nước lợ, đảm bảo nguồn con giống là có thể nuôi được. Qui trình chăm sóc cũng khá đơn giản so với tôm hay các loại cá khác. Con giống khi mang về có kích thước gần bằng đầu đũa ăn, mực nước trong ao lúc bấy giờ chỉ cần khoảng 9 tấc là được, độ pH tốt nhất là từ 7.0 đến 8.0, ao phải được diệt cá tạp thật kỹ.
Những tháng đầu cho cá ăn bằng các loại thức ăn tôm với số lượng nhỏ, chỉ đến tháng thứ 6 trở đi mới bắt đầu cho ăn bằng cá tươi cắt nhỏ tùy theo kích cỡ của cá. Thức ăn của cá được cho vào vó như tôm để dễ dàng kiểm tra, tránh dư thừa làm ô nhiễm ao nuôi.
Bệnh chủ yếu của cá bống tượng là “trùng mỏ neo” bám vào mang cá. Thuốc trị hữu hiệu là sulphat đồng, cứ 1.000m2 ao thì xử lý 300 gram, định kỳ 15 ngày một lần. Khi cá đạt trọng lượng 400 gram thì điều chỉnh mực nước khoảng 1,4 mét rồi nuôi cho đến lúc cá đạt trên dưới 800 gram thì xuất bán. Hiện tại, giá thu mua tại vựa anh Tám Bảo là 300.000 đồng/kg.
Sau mấy vụ nuôi thành công, theo chân anh Tám Bảo một số bà con lân cận cũng nuôi cá bống tượng với nhiều cách khác nhau, có người nuôi xen với các loại cá khác hay tôm càng… Tuy nhiên,thực tế cho thấy chỉ những hộ nuôi chuyên biệt cá bống tượng thì hiệu quả mới cao.
Điển hình như anh Bùi Tấn Năng ở xã An Thuận, huyện Thạnh Phú- Bến Tre nuôi 1.000m2 ao. Anh thả 5.000 con giống, tiền cho thức ăn là 4 triệu đồng, cùng với công nhà chăm sóc… tính tròn cả giống nữa hết khoảng 10 triệu đồng. Vừa rồi anh Năng thu hoạch đợt đầu được 90 kg cá loại 1, bán được 27 triệu đồng. Dự kiến tháng sau sẽ xuất số còn lại khoảng 200 kg nữa, như vậy tổng cộng ước tính anh Năng cũng lãi khoảng trên 70 triệu đồng.
Trở lại mô hình của anh Tám Bảo. Hiện nay ngoài việc nuôi cá thịt thì anh Bảo đang có 500 cặp cá bố mẹ đang đều đặn cho trứng. Ao nuôi cá giống cũng chỉ khác với ao thường là thêm hệ thống tạo mưa, dưới đáy ao anh đặt những tấm gạch Tàu được xếp chụm đầu như mái nhà để làm ổ cho cá đẻ.
Cứ một hai tuần 1 con cá sẽ cho 35 ngàn trứng vào “mái nhà” gạch đó và vài bữa một lần anh Bảo lấy những tấm gạch ấy lên để đưa trứng vào bể ấp để vài hôm sau thì những chú cá bột ra đời. Hiện tại trại của anh Bảo mỗi tháng xuất sang thị trường Trung Quốc trên 200.000 con cá bống tượng giống, giá 1.200 đồng/con, riêng cá thịt vừa thu mua lại của bà con, vừa của nhà nuôi cũng đến vài trăm ký, giá ổn định 300.000 đồng/kg.
Anh Bảo tâm sự “Vì con này mới quá bà con còn ngại nên ít người nuôi, chứ thấy bên Trung Quốc họ nhập giống của mình về mà tiếc cho bà con mình. Vì sao họ phải nhập con giống từ bên mình để nuôi mà bà con mình lại ít người để ý. Một số người trước đây nuôi cá bống tượng thất bại là do nó bị ghẻ.
Vì nguồn giống từ đánh bắt ngoài thiên nhiên, con cá bị trầy xước, mình không biết đem về nuôi chỉ mấy ngày sau là cá sinh ghẻ rồi chết, từ đó nản luôn. Còn nay có con giống rồi, kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh nên nuôi rất đạt”.
Nguyện vọng của anh là mong sao một số vùng nuôi tôm đã bị nhiễm bệnh của bà con ở Bến Tre hay bất kỳ đâu nên mạnh dạn chuyển sang nuôi cá bống tượng.
Anh và những người bạn sẽ hỗ trợ về con giống, kỹ thuật trong suốt thời gian nuôi…để khẳng định rằng ngoài con tôm sú, Bến Tre và các vùng lân cận cũng có thể có một đối tượng khác đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện tại, bà con nào có yêu cầu ,chỉ cần ở đâu đó thả vài chục ngàn con giống là anh Tám Bảo sẽ đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật và thả giống cho bà con.
Tags: ca bong tuong, nuoi ca bong tuong, ky thuat nuoi ca bong tuong, ca bong tuong giong, mo hinh nuoi ca bong tuong