Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Cách Bón Phân Cân Đối Và Hợp Lí Cho Cây Ngô

Ngô là cây trồng có tiềm năng năng suất rất cao, đồng thời cũng lại có nhu cầu dinh dưỡng rất lớn. Hiện tại trên thế giới năng suất kỷ lục của ngô là 212 tạ/ha (7,8 tạ/sào Bắc Bộ) và với năng suất này thì nhu cầu về dinh dưỡng rất lớn. Tuy nhiên, trung bình với năng suất 6 tấn/ha, cây ngô hút 155kg N (337kg urê), 60kg P2O5 (360kg supe lân) và 115kg K2O (192kg kali clorua), còn nếu tính cho 1 sào Bắc Bộ thì với năng suất 220kg cần 12,5kg đạm urê, 13kg supe lân và 7kg kali clorua.

Bón cân đối đạm-kali cho ngô có hiệu lực cao hơn nhiều so với lúa. Bội thu do bón cân đối (trung bình của nhiều liều lượng đạm) có thể đạt 33 tạ/ha trên đất phù sa sông Hồng, 37,7 tạ/ha trên đất bạc màu, 11,7 tạ/ha trên đất xám và 3,9 tạ/ha trên đất đỏ vàng. Xét về hiệu quả kinh tế thì bón phân cân đối cho ngô trên đất bạc màu, đất xám có lãi hơn nhiều so với đất phù sa và đất đỏ vàng.Bón từng loại phân riêng rẽ hiệu lực không cao, bón kết hợp thì hiệu lực tăng đáng kể, cao hơn cả tổng hiệu lực của mỗi loại phân bón. Kết quả nghiên cứu về hiệu lực yếu tố và tương hỗ trong ví dụ bón phân cho ngô đông trên đất phù sa sông Hồng: Nếu chỉ bón đạm thì hiệu quả đầu tư thấp, hệ số lãi chỉ đạt 1,98; nếu bón kết hợp đạm-lân thì hệ số lãi tăng lên 2,47; còn nếu bón cân đối đầy đủ đạm-lân-kali thì hệ số lãi là 2,8.Khi lượng đạm bón càng cao thì càng cần thiết phải bón phân cân đối.Cân đối vô cơ-hữu cơ với ngô đông cũng quan trọng. Phân chuồng rất tốt cho ngô, song nếu không bón phân khoáng, đặc biệt là đạm thì hiệu lực của phân chuồng cũng rất thấp. Chỉ bón phân chuồng, hiệu quả đạt 30kg ngô hạt/tấn phân chuồng, còn nếu bón kết hợp với đạm thì hiệu suất tăng lên 126kg ngô hạt/tấn phân chuồng.Việc cung cấp sớm và đủ chất dinh dưỡng cho ngô là rất cần thiết. Với ngô, nếu bón chậm trong nhiều trường hợp có thể mất trắng. Nhất thiết cần bón lót toàn bộ lân và phân chuồng, phân đạm tùy theo phương pháp gieo trồng mà quy định cho phù hợp. Với ngô bầu nên bón tối thiểu 3 lần: lót 25%, thúc lần 1 vào lúc 6-7 lá: 45% và lần 2 vào lúc trước trỗ 30%. Với ngô gieo hạt thì không nên bón lót và tiến hành thúc sớm vào lúc cây 3-4 lá (30%), số đạm còn lại chia bón 2 lần vào lúc cây 9-10 lá và trước trổ. Phân kali nên chia thúc 2 lần vào các thời kỳ 6-7 lá và trước trỗ.Việc bón phối hợp các dạng phân có chứa lưu huỳnh cũng như phun phân có chứa kẽm đều góp phần cân đối nhu cầu của cây và tăng năng suất ngô đáng tin cậy.Lượng phân bón khuyến cáo cho ngô phải tùy thuộc vào đất, giống ngô, thời vụ. Giống có thời gian sinh trưởng dài hơn, có năng suất cao hơn cần phải bón lượng phân cao hơn. Đất chua phải bón nhiều lân hơn, đất nhẹ và vụ gieo trồng có nhiệt độ thấp cần bón nhiều kali hơn.