Song song với các biện pháp kĩ thuật thâm canh bà con cần lưu ý việc tuyển chọn quả trên dây dưa. Muốn thành công ở việc làm này thì ngay khi cây có 4-5 lá thật cần bấm ngọn để cây bật nhánh. Tỉa bỏ các nhánh phụ chỉ để lại 2 nhánh khỏe trên cây và định hướng cho dây dưa theo một hướng nhất định bằng cách ghim cố định lại.
Khi dưa ra hoa cần tiến hành thụ phấn bổ sung vào thời điểm 6-8h sáng bằng cách quệt phấn ở hoa đực vào đầu nhụy trên hoa cái tại vị trí hoa thứ 2 hoặc 3 trên dây là đẹp nhất (loại bỏ hoa, quả ra đầu tiên). Trên 2 dây dưa ắt sẽ có 2 quả để ta chọn lựa (lúc quả bằng bóng đèn).
Loại bỏ quả xấu, sâu chỉ để lại 1 quả trên cây/gốc. (Theo thực tế, nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng dưa tại địa bàn huyện Nam Sách – Hải Dương như ông Thông, ông Hồi ở xã Hợp Tiến, anh Cộng, anh Tuyên ở xã Nam Hưng… đều cho rằng việc bấm ngọn lúc dưa có 4-5 lá thật rồi để 2 dây dưa/gốc và tuyển quả theo cách trên có hiệu quả hơn nhiều là không bấm ngọn mà chỉ để 1 dây dưa/gốc).
Lần bấm ngọn thứ 2 cần làm đó là lúc sau khi lấy quả được khoảng 1 tuần, tiến hành bấm ngọn cách quả khoảng 5-6 lá để cây có điều kiện dồn dinh dưỡng nuôi quả, chặn được dòng dinh dưỡng nuôi ngọn.
Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên dưa hấu xuân hè cần lưu ý các loài sâu chích hút ở thời kì đầu và giữa vụ (bọ trĩ, rầy mềm, rệp, dòi đục lá) hại dưa. Các loài này thường hay gây hại mạnh ở những vụ xuân có nhiều mưa phùn, ẩm ướt. Chúng làm đọt non chun lại không phát triển, lá vàng xoắn lại và khô. Sử dụng các thuốc chuyên trừ rầy, rệp sẽ có hiệu quả cao.
Bệnh gây hại dưa hấu xuân hè chủ yếu là bệnh thối thắt thân cây con, lở cổ rễ thời kì đầu và giữa vụ, bệnh nứt thân chảy nhựa thời kì giữa vụ nhất là những năm mưa nắng thay đổi liên tục trong tuần. Cần sử dụng các loại thuốc đặc trị phun phòng định kì 5-7 ngày/lần trong thời gian có thời tiết như trên cùng với việc giảm tưới nước, giảm bón phân mới đạt hiệu quả.
Các biện pháp cần phải tiến hành song song và đồng bộ theo hướng IPM mới nhằm mang lại kết quả mong đợi.