Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Các Biện Pháp Khẩn Cấp Phòng Chống Sâu Đục Quả Bưởi

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống sâu đục quả bưởi, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất và đời sống.

Các giải pháp quan trọng và mang lại hiệu quả cao gồm: xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật kết hợp bao trái, có chế độ chăm sóc, bón phân cân đối và hợp lý, kết hợp tỉa cành, tạo tán, tỉa và tiêu hủy quả nhiễm sâu kể cả cuống rụng trên đất. Cuối vụ thu hoạch thu tất cả quả trên cây cũng như rụng dưới đất chôn vào hố có rải vôi trước khi lấp.

Ngoài ra, cần tìm diệt sâu trưởng thành đang buông tơ thả xuống đất, tích cực nuôi thiên địch phòng chống sâu đục quả đặc biệt là kiến vàng trong vườn cây ăn quả có múi nói chung và vườn trồng bưởi nói riêng. Trong các biện pháp trên, bao trái được xem là cơ bản nhất.

Theo ông Nguyễn Đức Huy, một nông dân giỏi canh tác 0,9 ha đất trồng bưởi lông Cổ Cò xen canh vú sữa lò rèn Vĩnh Kim tại ấp Mỹ Thạnh (Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, áp dụng bao trái kết hợp các giải pháp mà cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo giúp bảo vệ được 80% lượng trái trong vườn không bị sâu đục quả tấn công.

Nhờ vậy, giảm thiệt hại đáng kể, giúp nhà vườn thâm canh bưởi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Còn theo Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả Miền Nam, sâu đục quả bưởi có tên khoa học Citripestis sagittiferelle Moore. Loại sâu này thường gây hại trên cây có múi: chanh, cam, bưởi.

Đặc biệt những năm gần đây đã trở thành dịch hại phổ biến tấn công mạnh trên cây bưởi gây thiệt hại lớn cho nhà vườn ĐBSCL.

Hầu hết những giống bưởi đang trồng phổ biến tại đây đều bị nhiễm thiệt hại từ 30 – 50% tùy vườn bưởi, đặc biệt những vườn không áp dụng kỹ thuật bao trái có thể mất trắng.