Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Cá Tai Tượng Châu Phi hay còn gọi là Cá Heo Lửa – Phần 1

Cá Tai Tượng Phi Châu, nhiều người còn gọi là cá heo Phi Châu, có tên khoa học là Astronotus Ocellatus.

Ở ngoại quốc, con cá này còn mang nhiều tên khác, như Lobotes Ocellatus (trước năm 1800) sau này là các tên Oscar, hoặc Peacock-Cichild…

Cá Tai Tượng Châu Phi hay còn gọi là Cá Heo Lửa

Không hiểu dựa vào lý do gì mà người mình đặt tên cho con này là cá Tai Tượng, khi nuôi trong hồ từ nhỏ đến lớn, sức nặng của mỗi con cũng đạt được đến mức 800g mà thôi.

Trong đời sống hoang dã, theo tài liệu nước ngoài thì loại cá này chiều dài đến 50cm, cân nặng 3 kg.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, người mình cũng thích nuôi cá Tai Tượng Phi Châu để làm cá kiểng, và nuôi trong hồ kiếng đặt tại phòng khách.

Vì rằng, đây là giống cá có màu sắc tuyệt đẹp, tuy bề ngoài có vẻ hung dữ nhưng tính tình lại hiền lành, nuôi cung bầy năm bảy con vẫn không hiếp đáp nhau như giống Tai Tượng Việt Nam.

Có điều nuôi cá Tai Tượng Phi Châu phải dùng loại hồ lớn, có chiều ngang từ 80 phân đến một mét, một mét hai mươi phân mới xứng, và như vậy, ta phải có phòng khách đủ rộng để đặt loại hồ kiếng lớn khổ này.

Trên thị trường cá kiểng của ta, có hai loại cá Tai Tượng phi Châu:

– Cá Bông: Do cá trên thân nổi lên nhiều đốm màu như hoa màu đỏ sậm, ánh sắc như gấm.

Khi bơi nhờ vài màu sắc gấm này trông con cá ngời lên ánh sắc tuyệt đẹp.

– Cá Lửa: Do thân cá có màu vàng như da bò, trên đó cũng nổi lên nhiều đốm mờ nhạt.

Giống cá này ít được người nuôi, vì màu sắc không nổi bật, mặc dầu tên nó là cá Lửa.

– Ở nước ngoài, được biết vào 1969, ông Charoen Pattabongse, người Thái Lan đã lai tạo được cá Tai Tượng Đỏ với màu sắc nổi bật hơn những giống bình thường.

Và cũng từ giống mới này, cho lai tạo với một giốntg thông thường thêm giống Tai Tượng Hổ Đỏ, đang được nhiều người thích chọn nuôi.

– Còn một lý do khác nữa khiến nhiều người thích nuôi cá Tai Tượng Phi Châu vì sự thông minh của chúng.

Giống cá này có trí nhớ tốt hơn các giống cá kiểng khác: chúng nhận biết được chủ nuôi là ai, mỗi khi chủ lại gần hồ là cá tụ họp lại gần xoắn xuýt như kết thân, như để chào hỏi…

Thức ăn: Tai Tượng Phi Châu thích khẩu nhất với loại mồi cá sống.

Thế nhưng, chủ nuôi nào cũng thích thay đổi thực đơn của chúng.

Và chúng tỏ ra biết ăn tạp.

Có điều thỉnh thoảng được cho ăn các món tôm, cua, ốc, thì màu sắc cá sẽ tươi tắn hơn.

Giới tính: Nhìn bề ngoài thì cá trống mái không có điểm nào dị biệt nhau, vì vậy rất khó đoán được giới tính của chúng một cách rõ ràng.

Có tài liệu cho rằng cá trống trưởng thành phần đuôi của nó nổi lên nhiều chấm, trong khi đó cá mái thì không có những dấu này.

Thế nhưng thực tế cho thấy cũng có một số cá trống vi đuôi cũng có một chấm.

Cuối cùng, người ta cũng chờ đến khi cá trưởng thành (một năm rưỡi), là lúc cá mái mang bầu trứng khá to và cá trống đến ve vãn bắt cặp ra nuôi riêng cho chúng sinh sản.

Nếu trong hồ tập thể có nhiều trống thì ta nên chọn con trống nào thực sự khỏe mạnh bắt ra cặp với cá mái.

Cũng xin được nói thêm, trong mùa sinh sản, cá Tai Tượng Phi Châu trống trở nên hung hăng, chúng có thể lăn xả chiến đấu với… tình địch đến độ một mất một còn.

Vì vậy, chủ nuôi nào cũng cần biết đến điều này để kịp thời can ngăn đúng lúc.