Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng các bể thủy tinh chứa 170 lít nước (độ mặn 20%o). Thí nghiệm 5 nghiệm thức (với 3 lần lặp lại) bao gồm: 1-Nghiệm thức A: đối chứng âm với các bể được chuẩn bị trong hai tuần và không có cá rô phi trước khi thả 15 con tôm thẻ chân trắngPenaeus vannamei vào mỗi bể. 2-Nghiệm thức B: các bể được chuẩn bị trong hai tuần với cá rô pni Đài Loan Oreochromis niloticus và sau đó cá được bắt ra trước khi thả tôm vào mỗi bể để tiến hành gây bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Thực nghiệm trong 10 ngày bằng cách đổ trực tiếp môi trường canh thang có nuôi cấy dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp cho tới khi đạt mật độ vi khuẩn trong bể là 3x105tế bào vi khuẩn/ml. 3-Nghiệm thức C: các bể được chuẩn bị trong hai tuần với cá rô phi. Sau đó, cá được đặt vào một lồng treo trong bể trước khi thả tôm và gây bệnh như nghiệm thức B. 4-Nghiệm thức D: các bể được chuẩn bị trong hai tuần không có cá rô phi, sau đó thả tôm và gây bệnh như nghiệm thức B. 5-Nghiệm thức E: đối chứng dương với các bể được đổ đầy nước muối có nồng độ 20%omột ngày trước khi thả tôm và gây bệnh như nghiệm thức B.
Kết quả thí nghiệm cho thấy: Sau 14 ngày chuẩn bị bể với mục đích kích thích tảo phát triển và duy trì một hệ vi sinh vật cân bằng trong các bể trước khi thả tôm như cách chuẩn bị ao tôm trong thực tế sản xuất. Mật độ vi khuẩn trong nước giữa 04 nghiệm thức A, B, C, D không có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, bước chuẩn bị bể trong 14 ngày này đã gây được mật độ vi khuẩn cao hơn mật độ vi khuẩn trong nước của nghiệm thức E (không có bước gây tảo trong 14 ngày) khoảng 10.000 lần. Sau 10 ngày gây bệnh thực nghiệm (trừ nghiệm thức đối chứng âm), tỷ lệ sống của các nghiệm thức có sự khác biệt rõ rệt. Tỷ lệ sống của các nghiệm thức A, B, C, D, E lần lượt là 97,78% – 91,11% – 6,67% – 20% – 0%.
Tỷ lệ sống của nghiệm thức đối chứng âm (nghiệm thức A) là 97,78% cho thấy các điều kiện môi trường thí nghiệm là phù hợp cho sự sống sót của tôm thí nghiệm. Trong khi đó, tỷ lệ sống sau 03 ngày gây bệnh của nghiệm thức đối chứng dương là 0% cho thấy độc lực rất cao của dòng vi khuẩn được sử dụng trong thí nghiệm gây bệnh. Tỷ lệ sống của nghiệm thức B (91,11%) cao hơn hẳn các nghiệm thức C, D, E. Mặc dù khuẩn lạc của dòng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp được phân lập lại từ trong nước và bao tử của tôm được gây bệnh ở tất cả các nghiệm thức phân tích mô học cho thấy tỷ lệ cảm nhiễm của tôm với bệnh hoại tử gan tụy cấp cũng như mức độ bệnh tích của các nghiệm thức có sự tương quan với tỷ lệ sống của các nghiệm thức. Ngoài ra, bệnh tích hoại tử gan tụy cấp không tìm thấy trên gan tụy của tôm ở nghiệm thức A và B. Ngược lại, trên gan tụy của tôm của nghiệm thức C, D, E có sự xuất hiện của bệnh tích điển hình của bệnh hoại tử gan tụy cấp với các mức độ khác nhau.
Việc xác định mật độ vi khuẩn trong nước của các bể thí nghiệm cho thấy có sự sụt giảm đáng kể về mật độ vi khuẩn trong các nghiệm thức B, C, D so với mật độ vi khuẩn ban đầu được đưa vào bể tôm trong thí nghiệm gây bệnh thực nghiệm. Ngược lại, mật độ vi khuẩn trong nước của đối chứng dương cho thấy có sự gia tăng đáng kể về mật độ vi khuẩn so với lượng vi khuẩn đưa vào ban đầu trong thí nghiệm gây bệnh thực nghiệm. Kết quả này chứng minh rằng: Sự có mặt của hệ vi sinh tự nhiên trong nước được kích thích bởi khâu chuẩn bị bể có thể tương tác với dòng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và sự cảm nhiễm bởi dòng vi khuẩn này.
Nghiên cứu này cũng đã chứng minh: Một hệ vi sinh khỏe mạnh và cân bằng với vi khuẩn và tảo trong nước được kích thích bởi những thực hành tốt trong nuôi tôm (ví dụ như sử dụng cá rô phi trong bể lắng trước khi bơm nước vào ao nuôi tôm) có thể đem lại những tác dụng tích cực, giúp khống chế sự bùng phát bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Tags: ca ro phi, ky thuat nuoi ca ro phi, khong che benh hoai tu, benh gan tuy cap o tom, nuoi tom