Cá nâu là loại thủy sản rất đặc biệt, sống cả trong môi trường nước ngọt, và nước mặn, từ sông ra biển đều có. Cá nâu nước ngọt nhỏ con, thịt dai, không mấy ngọt. Trái lại cá nâu nước mặn, nhứt là nước lợ vùng duyên hải, bự con, vừa ngọt thịt vừa mềm, dẽ, ăn rất ngon.
Nhưng cá nâu đánh bắt ngoài biển hay vùng duyên hải được chuyển vào sâu trong đồng bằng thì ăn chẳng còn ngon, thịt dai vì được ướp nước đá, da trắng nhợt, nhìn không hấp dẫn nữa. Vì vậy, người sành miếng ngon, khi muốn thưởng thức cá nâu thường chịu khó đi về miệt biển.
Mỗi năm, cứ đến ngày mưa già là tới mùa thu hoạch cá nâu. Nước giựt ròng, đi dài theo bờ kinh, rạch, thò tay vào mấy hang hốc là có thể bắt được một chú cá nâu đang ẩn mình ăn rong rêu trong đó. Nhàn nhã hơn thì buông cần bên bờ biển ầm ào sóng vỗ ghềnh đá, chẳng mấy chốc đã có được nhiều con cá nâu mình dẹp tròn, có những đốm tròn đen bật nổi trên màu da nâu vàng, nhìn giống cá chim; nhìn sắc màu, hoa văn trên mình cá đã thấy đẹp rồi, có thể nuôi làm cá cảnh.
Câu cá nâu cũng phải nắm bắt đầy đủ kỹ thuật mới có cái mà ăn. Mồi câu cá nâu là cơm đâm nhuyễn vo thành viên trùm kín lưỡi cá mới cắn vì nó rất nhát. Lưỡi câu phải thả sâu chừng hai sải nước. Bắt cá cũng phải biết cách, lớ quớ mấy cái gai trên lưng cá đâm đau thấu xương suốt mấy ngày trời!
Món đơn giản là cá nâu chiên tươi. Cá chiên xong xúc ra khỏi chảo còn tỏa hơi nóng nghi ngút, giẽ gắp từng miếng thịt cá chấm nước mắm nhĩ giằm ớt, ngon rồi, nhưng ngon “nhức nhối” là chấm muối ớt. Cũng với muối ớt, ướp cá chừng mươi phút, đem nướng hoặc chiên ăn cũng là món ngon “số dách”.
Cá nâu gói lá chuối nướng trui chấm muối ớt cũng là “độc chiêu” của dân miệt cuối đất Việt. Cá nâu kho trái giác lạ miệng với dân thành phố. Nước dừa nấu trái giác vừa sôi, thả cá nâu làm sạch vào, nước sôi đợt nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn, đã có món vừa ngọt thịt cá vừa chua thanh vị trái giác.
Trong vườn, rau răm tưởng như không có giá trị gì, nhưng khi được “đặt” đúng chỗ thì nó tăng thêm hương vị món ăn. Cá nâu kho rau răm là một ví dụ. Cá nâu phải kho cho thật thấm, mềm con cá, nước kho vừa lạt vừa ngọt, ăn không quá mặn mới là đầu bếp thiện nghệ. Và khi nồi cá kho đã được nêm nếm xong, nhấc xuống bếp mới cho nắm rau răm vào, vì rau răm chín quá sẽ dai. Thưởng thức cá nâu kho là ngon hơn hết vì nó thể hiện đầy đủ cái sự béo ngon và chắc thịt của con cá.
Còn món cá nâu kho lạt thả xoài sống bằm xắt sợi giằm trái ớt hiểm vừa ngòn ngọt thịt cá, vừa chua chua vị xoài sống, vừa cay nồng trái ớt hiểm, ngon ơi là ngon. Rồi cá nâu kho trái giác cũng là món “nhớ đời” với vị chua của thứ trái cây hoang dã, mọc ven bờ mương, sông, rạch, lề đường này.
Dân đồng bằng sông Cửu Long, nhất là người Bạc Liêu, Cà Mau ưa nấu ngót bằng khá nhiều loại cá, trong đó có cá nâu. Vị chua của cà chua, vị hăng nhẹ của hành lá và mùi thơm của cần tàu sao mà quyến rũ vậy, khi hòa với vị ngọt của cá nâu. Người dân khu vực này cũng thường hay nấu cá nâu với dưa cải. Cũng là món canh chua hấp dẫn khẩu vị nhiều người. Đặc biệt, món này được một số “lưu dân” gốc Bắc làm “nhẹ” thêm khi ăn kèm với rau thơm thì cái ngon lên tuyệt đỉnh!
Cá nâu cũng trở thành món lẩu đặc sắc. Lẩu cá nâu cơm mẻ hoặc trái giác là món ăn phổ biến, cạnh tranh ăn đứt các thứ lẩu cá khác. Món này ăn kèm với các loại rau vườn. Nào bông súng, đậu rồng, bắp chuối, rau mác, cù nèo, bông và đọt lục bình… Vị ngọt của cá nâu, vị chua đằm của cơm mẻ hoặc trái giác sẽ khiến người ăn nhớ mãi.
Cá nâu ngon nhất phải nặng khoảng 300g. Muốn thưởng thức những món ngon cá nâu, bạn nên chịu khó xuống miệt Bạc Liêu, Cà Mau… vừa thưởng ngoạn cảnh quan vùng đất cuối Việt, bạn vừa tấm tắc khen mấy má, mấy “chế” (chị) nhà mình sao mà khéo tay quá chừng vậy!