Riêng vùng ở cao như Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) thì có thể trồng được nhiều vụ trong năm.
Hiện nay có một số giống khoai tây có khả năng chịu nóng cao hơn nên ở các tỉnh ĐBSCL khoai tây có thể trồng được trong vụ đông xuân.
Tuy vậy, năng suất cũng không đạt được mức như ở các vùng có nhiệt độ thích hợp; khả năng cạnh tranh với các cây có cùng thời gian sinh trưởng tương đương với khoai tây ở vùng này trở nên khó khăn hơn. Vì vậy bài này chỉ nêu kỹ thuật bón phân cho khoai tây ở các vùng truyền thống là chủ yếu.
Cũng là loại cây lấy củ, nhưng khoai tây không thuộc loại thân bò như khoai lang, cũng không phải thân leo như khoai từ, khoai vạc. Phần lớn các giống khoai tây hiện nay có thân cứng, mọc thẳng hay thân hơi yếu hơn nhưng vẫn ở thế không bám vào đất để đâm rễ phụ như khoai lang.
Không phải lên luống cao như khoai lang nhưng vẫn cần lớp đất mặt dày, tơi xốp và cũng cần lên luống, xẻ rãnh hay đào hố để trồng.
Thời kỳ sinh trưởng của nhiều giống khoai tây chỉ dao động trong phạm vi 85 – 90 ngày, cũng có một số giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Nhờ vậy khoai tây dễ tham gia vào cơ cấu cây trồng với các loại cây lương thực hay rau màu khác.
Ở các vùng miền Bắc cơ cấu khoai tây đông – lúa xuân hay ngô hoặc rau màu là khá phù hợp. Vụ cây trồng đi sau khoai tây thường cho năng suất cao hơn và tiết kiệm được phân tốt hơn. Khoai tây thường trồng bằng củ đã lên mầm.
Ngày nay đã có kỹ thuật SX giống khoai tây củ bi, tiết kiệm được lượng giống tốt hơn. Muốn năng suất củ cao mỗi bụi chỉ cần để 2 – 3 thân, để nhiều thân củ nhỏ hơn. Từ lúc mọc mầm đến lúc phình củ khoảng 20 – 30 ngày tuỳ giống. Vì vậy ta cần chú ý tạo cho các thân khoai tây mọc khoẻ và vươn nhanh trong khoảng thời gian này.
Ngoài đặc điểm sinh trưởng của giống thì phân bón có tính chất quyết định yếu tố này. Khi làm đất sẵn sàng để trồng cần cuốc hốc hay rạch hàng để bón phân cẩn thận (tuỳ tập quán từng vùng); cần bón mỗi hốc khoảng 2 – 3 kg phân chuồng, 300 – 500 gr vôi và 200 – 300 gr phân lân.
Nếu bón theo rãnh thì cần khoảng 20 – 25 tấn phân chuồng cho 1 ha, cũng phối hợp thêm 300 – 400 kg lân/ha.
Ở các tỉnh miền Bắc có thể không cần bón lân nhưng lót phân Đầu Trâu bón lót, mỗi sào 15 – 20 kg cùng với phân chuồng nói trên rồi đặt củ lấp đất. Sau khi trồng 3 – 5 ngày cần pha phân 46A+, liều pha khoảng 50 – 70 gr/8 lít nước tưới 1 – 2 lần cho khoai ra rễ nhanh.
Khi khoai được 15 – 20 ngày bón thúc mỗi sào khoảng 6 – 8 kg phân 20-20-15/sào 360 m2. Sau khi trồng 30 – 35 ngày bón thúc 7 – 10 kg phân NPK 13-13-13+TE/sào (các tỉnh miền Bắc).
Mỗi lần bón phân nhớ vun luống hay vun gốc cho khoai, khi bón thúc lần 1 nhớ tỉa bớt thân cây nhỏ, yếu, chỉ chừa 2 – 3 thân trên 1 khóm là vừa.
Về sau chỉ cần pha phân bón lá như Đầu Trâu 009 phun 1 – 2 lần hoặc hoà phân loại bón thúc liều pha khoảng 60 – 70 gr/8 lít nước tưới vào luống vừa cung cấp thêm nước và phân làm củ phình to, mã củ đẹp.
Ở miền Nam, ngoài lượng phân chuồng nói trên, bón lót thêm 200 – 250 kg Đầu Trâu 215+TE hay Đầu Trâu tăng trưởng/ha, đặt củ lấp đất, nén kỹ. Sau trồng 3 -5 ngày hoà phân 46A+ hay chính loại phân đang trồng để tưới làm khoai đâm rễ nhanh.
Bón thúc sau trồng khoảng 15 – 20 ngày, nếu giống dài ngày có thể bón muộn hơn khoảng 5 ngày, loại phân hoặc 215 +TE hay Đầu Trâu tăng trưởng, liều bón khoảng 170 – 250 kg Đầu Trâu tăng trưởng hay Đầu Trâu 215+TE/ha. Vun gốc cao.
Sau trồng 30 – 35 ngày bón thúc lần 2, lượng bón khoảng 250 – 300 kg Đầu Trâu tăng trưởng/ha, kết hợp vun gốc lần 2.
Sau đó chỉ cần dùng phân bón lá như loại 007 và 009 phun lên lá 1 – 2 lần là đủ. Nếu không có các chủng loại phân này có thể dùng chính loại phân đang bón pha loãng, 50 – 70 gr/8 lít tưới vào gốc, vừa cung cấp thêm nước vừa cung cấp thêm phân sẽ làm củ to, đẹp, tăng củ loại 1, thực hiện 2 – 3 lần và kết thúc trước khi thu hoạch khoảng 7 – 10 ngày.