Cây dừa có nguồn gốc nhiệt đới được trồng nhiều ở các vùng ven biển. Dừa mọc trên cả đất thịt, đất cát pha hay có độ ẩm dồi dào và có khả năng chịu mặn tốt.
Nước ta có khoảng 165.000ha dừa, riêng ở vùng ĐBSCL có tới 130.000ha, trong đó Bến Tre khoảng 70.000ha (bằng 54% diện tích vùng ĐBSCL và 42% cả nước) dừa mọc ở vùng ven biển từ Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên cho đến vùng ven biển ĐBSCL…
Ngày nay cây dừa được đánh giá cao, có thể nói không chừa bộ phận nào mà không được dùng trong đời sống hàng ngày. Lá dừa dùng làm tấm lợp, hoặc làm chất đốt; thân dừa rất bền chắc nên được dùng làm nhiều mặt hàng xây dựng; bẹ dừa và trái dừa có thể sản xuất khoảng vài ba chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thức uống, các loại dầu cho mỹ phẩm được ưa chuộng.
Về mặt dinh dưỡng của trái dừa chứa nguồn năng lượng khá cao. Ví dụ, trong 100g nước dừa có chứa 254 Kcal; 15,23g hydratcarbon; 5,25g đường và 9,0g chất xơ thực phẩm, các axit no và không no; chứa đủ các loại axit amine, trong đó có nhiều axit amine không thay thế rất cần thiết cho sức khỏe con người, nước dừa cũng chứa đủ các loại vitamin thiết yếu cho sức khỏe, và có đủ các khoáng đa, trung và vi lượng.
Trong tình hình miền Tây đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao thì dừa có thể được coi là cây duy nhất có khả năng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt đó. Nhận thấy rằng trên đất trồng dừa lâu năm khó có thể có cây gì thay thế mà có hiệu quả bằng hay hơn cây dừa. Tuy nhiên, để phát triển mạnh và tăng cao lợi tức từ cây dừa thì trước hết phải làm cho cây dừa có năng suất cao hơn. Con đường này một mặt cần thay thế hay trồng mới các giống dừa thấp cây có năng suất cao, chất lượng tốt như dừa lùn Mã lai.
Hiện trong nước đã có sẵn giống dừa Dứa vừa thấp cây, trái sai chất lượng tốt. Theo thống kê của Hiệp hội Dừa Bến Tre, bình quân mới chỉ đạt khoảng 30 quả/cây dừa/năm. Mức năng suất này là quá thấp so với các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia… (các nước này khoảng 60-80 quả /cây/năm). Các nghiên cứu đã chứng minh giống dừa Dứa nhập nội đã có thể cho năng suất 100 quả/cây, có chất lượng nước uống thơm ngon, bổ dưỡng.
Ở ĐBSCL, dừa dùng để lấy cơm là các giống cao, được trồng từ lâu, cây đã già, năng suất thấp. Để đa dạng giống và thời vụ thu hoạch trong lúc ta chưa có các giống dừa có năng suất cao dùng để lấy cơm dừa, ta cần bổ sung các giống dừa lùn lấy nước, đồng thời phải chú ý thâm canh, đặc biệt là chọn loại phân bón phù hợp để làm tăng năng suất và làm tăng chất lượng cho dừa.
Công ty CP Phân bón Bình Điền từ năm 2010-2015 đã có tham gia cung cấp phân bón cho Viện Cây có dầu để thí nghiệm trên dừa ở vùng Bình Định. Kết quả sau 3 năm thực hiện đã cho thấy có bón phân Đầu Trâu cho dừa làm tăng năng suất và chất lượng nước uống rất rõ so với phương pháp bón phân theo tập quán của người trồng dừa.
Ngày nay, ngoài các loại phân bón đã có, Bình Điền đang cho ra đời các chủng loại phân có chứa nhiều nguyên tố vi lượng và đất hiếm. Các nguyên tố này vừa làm tăng số trái và tăng cả chất lượng nước dừa rất rõ. Bón các loại phân này đã có thể làm năng suấtt dừa trái tăng 30-50%, chất lượng nước dừa tốt hơn đối chứng về hàm lượng đường và các loại vitamin thiết yếu.
Công thức bón phân cho dừa là trước khi bước vào mùa khô, dọn vệ sinh vườn, đào rãnh quanh tán cây, bón khoảng 20-30kg phân hữu cơ hoai mục kết hợp với khoảng 1-1,5kg phân Đầu Trâu bón lót, lấp đất, giữ ẩm. Có thể bồi bùn cho gốc dừa hay dùng vật liệu hữu cơ để ủ gốc cho cây tránh bốc hơi nhanh và giữ ẫm tốt cho gốc dừa.
Đến trước mùa mưa, bón phân Đầu Trâu NPK 16-16-16+TE, liều bón khoảng 300-500g tùy loại đất, tùy tuổi cây. Vì dừa kinh doanh đều có thể ra hoa và cho trái quanh năm nên cần bón cân bằng NPK và thỉnh thoảng dùng loại phân có K cao như Đầu Trâu 15-5-20 để bón. Có thể 1 đợt bón Đầu Trâu NPK 16-16-16+TE, đợt khác bón Đầu Trâu NPK 15-5-20, liều bón 300-500 g/ gốc là vừa, khoảng 1,5-2 tháng bón 1 đợt là đủ.