Bệnh gây chết giữa chu kỳ nuôi
Bệnh này thường gặp khi đã nuôi ấu trùng được 10 – 20 ngày.
Khi bị bệnh, ấu trùng thường chết nhiều, thậm chí sau 2 – 3 ngày có thể chết đến 100%.
Dấu hiệu: ấu trùng yếu, bơi lội chậm hơn bình thường, màu xám nhạt (sau 10 ngày nuôi, ấu trùng thường có màu nâu sáng).
Ấu trùng ăn kém, có hiện tượng thừa Artemia trong bể (thông thường sau 2 giờ ấu trùng sẽ ăn hết Artemia).
Khi soi dưới kính hiển vi thấy phần gan tụy tạng co lại, nhỏ hơn bình thường, có sắc tố bị mất.
Khi quan sát bể vào ban đêm thấy hiện tượng những con tôm chết phát sáng.
Hiện tượng phát sáng là do tập đoàn vi khuẩn Coccobacilli, tập đoàn này có nhiều trong ruột tôm.
Cách phòng ngừa: Đây là bệnh ít gặp ở tôm giống, khi tôm giống bị bệnh này sử dụng thuốc kháng sinh không hiệu quả.
Cách tốt nhất là xả bỏ, vệ sinh bể cho nuôi đợt mới.
Bệnh lột xác dính vỏ
Bệnh này thường xảy ra đối với ấu trùng ở giai đoạn 10 – 11 ngày. K
hi ấu trùng lột xác, vỏ bị dính lại ở chủy (bệnh nhẹ), dính lại ở chân ngực, ấu trùng không bơi được và chết, xảy ra chủ yếu vào ban đêm khi lột xác.
Tỷ lệ lột xác bị dính thường 10 – 30%.
Nguyên nhân gây bệnh không xác định được rõ ràng.
Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là kích thích tôm dễ lột xác bằng cách thêm Lecithin vào thức ăn, giúp hạn chế mắc bệnh.
Bệnh do nguyên sinh động vật
Tôm càng xanh giống thường bị một số loại nguyên sinh động vật như: Zoothamnium, Vocticella, Acineta…
Những nguyên sinh động vật này ký sinh ở các phần phụ như chân ngực, chân bơi, đuôi. Nếu nguyên sinh động vật này bám với mật độ dày thì ấu trùng không lột xác được, dẫn tới chết.
Nguyên nhân: Do xử lý tôm bố mẹ không tốt, mang mầm bệnh vào bể.
Hoặc trong quá trình chăm sóc cho ăn thừa nhiều thức ăn, hàm lượng hữu cơ trong bể cao cũng sinh ra bệnh này.
Phòng trị bệnh: Chăm sóc cho ăn tốt, tạo điều kiện cho ấu trùng lột xác nhanh.
Hằng ngày xi phông sạch sẽ đáy bể, thay nước đúng định kỳ sẽ giúp hạn chế bệnh này.
Bệnh hoại tử
Bệnh này thường gặp cả ở tôm càng xanh và tôm biển. Ở tôm càng xanh, bệnh này thường xuất hiện từ giai đoạn 5 trở đi.
Khi quan sát trong bể nuôi thấy ấu trùng bơi không bình thường hoặc chìm nhiều ở đáy bể. Quan sát trên kính hiển vi thấy các phần phụ bị ăn mòn
. Chỗ bị ăn mòn có màu vàng cam.
Khi bị bệnh nặng, không trị kịp thời ấu trùng sẽ chết nhiều.
Nguyên nhân: Do môi trường nuôi bị sốc, trong đó yếu tố nhiệt độ là chủ yếu. Khi nhiệt độ nước nuôi lớn hơn 290C thì tôm giống thường bị bệnh.
Phòng trị bệnh: Khống chế nhiệt độ nước nuôi ổn định ở 27 – 280C, lúc thay nước chú ý các yếu tố: độ mặn, pH… cân bằng các yếu tố này sẽ giúp phòng tránh được bệnh này.
Có thể điều trị bệnh này bằng một số loại kháng sinh.
Bệnh đục cơ
Bệnh này thường xảy ra ở giai đoạn tôm bột (Pl), quan sát trong bể nuôi xuất hiện một số con có màu trắng đục trên thân, điểm trắng đục xuất phát từ đuôi và lan dần ra.
Tôm bị bệnh bơi lội khó khăn, những con bị nặng sẽ chết. Bệnh xảy ra chủ yếu do tôm bị sốc môi trường (nhiệt độ, độ mặn…), kết hợp với mật độ cao cũng như các thao tác trong khi nuôi không phù hợp.
Tỷ lệ mắc bệnh này thường 10 – 13%, sử dụng thuốc kháng sinh thường không hiệu quả, chủ yếu là phòng ngừa, giảm tối đa các hiện tượng gây sốc trước và sau khi tôm mắc bệnh, bệnh sẽ không tăng và khỏi dần.
Bệnh đen mang
Bệnh này thường xuất hiện vào giai đoạn từ 5 đến 8 ngày trong chu kỳ phát triển của ấu trùng.
Xem trên kính hiển vi sẽ thấy xuất hiện nhiều chấm đen trên các tấm mang, nếu bị nặng tôm chết nhiều.
Tác nhân gây bệnh, nhiều tác giả cho rằng nguyên nhân chủ yếu do thiếu Vitamin C.
Vì vậy cần tăng cường Vitamin C trong thành phần thức ăn cho tôm, thường xuyên kiểm tra tôm giống để phát hiện sớm và điều trị bệnh này.
Ngoài ra có thể dùng một số loại kháng sinh như: Streptomicin, Penicilline để điều trị.
Bệnh dính chân
Bệnh này do một số vi khuẩn dạng sợi như Filamentous bacteria và một số vi khuẩn, nguyên sinh động vật khác.
Chúng bám vào các sợi lông tơ, nếu số lượng nhiều thì tôm bơi lội khó khăn và các lông tơ rụng dần, sau đó tổn thương các phần phụ như chân, bụng, đuôi, chủy…; nếu bị nặng thì tôm chết đồng loạt, nhất là ở các giai đoạn nhỏ.
Cần phải kiểm tra tác nhân gây bệnh và từ đó đưa ra phương pháp trị bệnh cho hiệu quả.
Nếu tôm bị nhiễm cả vi khuẩn sạng sợi và nguyên sinh động vật thì có thể dùng CuSO4 trị vi khuẩn dạng sợi, sau đó trị nguyên sinh động vật.