Một trong những hộ nuôi được xem là thành công nhất của dự án là anh Ngô Văn Sử.
Anh nuôi được 6 vụ, chỉ thất bại 2 vụ.
Nhưng 2 vụ này anh vẫn thu hồi được vốn, 4 vụ còn lại trung bình anh thu về 70 triệu đồng/vụ.
Theo anh Sử, có được kết quả trên là do cây lúa tạo môi trường nước xanh, sạch khi cấp cho ao nuôi, giúp tôm phát triển tốt.
Mô hình này được nhiều hộ dân học hỏi và cho hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống.
Môi trường sạch, hiệu quả cao
Dự án được triển khai năm 2013 với điều kiện vuông tôm phải có ao trữ nước ngọt, bờ vuông phải được gia cố, không rò rỉ.
Bước đầu có 12 hộ tham gia, trong đó 6 hộ thực hiện mô hình và 6 hộ thực hiện đối chứng để so sánh.
Mục tiêu là giảm chi phí sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cho tôm và lúa được các hộ tham gia thực hiện đúng quy trình.
Bước đầu 6 hộ nuôi theo mô hình cho năng suất, hiệu quả cao hơn 6 hộ đối chứng.
Anh Ngô Văn Sử cho biết: Nhờ thực hiện khâu rửa mặn đúng quy trình nên cây lúa đã phát triển trở lại trên đất nuôi tôm.
Theo đó, tạo môi trường đất, nước cung cấp cho mô hình nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo kỹ thuật và quy trình của Dự án đều cho hiệu quả cao, cải thiện được tình trạng khó khăn mà nhiều năm qua người dân nơi đây không thể thực hiện được.
Nhờ sự nghiên cứu về dinh dưỡng, độ mặn, phèn tiềm tàng trong đất mà các chuyên gia khoa học đã đưa ra giải pháp bón phân, vôi, rửa phèn, mặn hợp lý.
Việc chăm sóc lúa trong giai đoạn nắng hạn cùng với ao trữ nước ngọt được thực hiện ngay từ đầu đã giúp cho mô hình trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công.
Song song mô hình lúa phát triển tốt, tạo môi trường trong sạch cung cấp cho ao nuôi tôm thâm canh và một số hộ nuôi quảng canh cải tiến thu nhập tăng hơn so với cách nuôi trước khi thực hiện mô hình.
Nhân rộng mô hình
Bên cạnh hiệu quả mô hình nuôi bán thâm canh, loại hình nuôi quảng canh cải tiến và truyền thống cũng cho hiệu quả bền vững và năng suất, thu nhập cao.
Do thực hiện hiệu quả vụ lúa nên môi trường đất, nước phù hợp cho con tôm quảng canh phát triển, ít dịch bệnh nên thu nhập của người dân thực hiện trong mô hình ngày càng ổn định.
Ông Dương Thanh Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Thị Tường, người thực hiện mô hình, cho biết:
Do người nuôi thực hiện theo mô hình nên số lần thả giống 1 năm chỉ 4 – 5 đợt cùng 1 đợt cua, thu nhập trung bình mỗi năm 150 triệu đồng/ha, có nhiều hộ đạt 200 triệu đồng từ tôm và cua.
Từ đó, nhiều hộ dân trong ấp tự nguyện học hỏi kinh nghiệm và làm theo.
Từ 6 hộ sản xuất theo mô hình, nay tăng lên 18 hộ, tất cả đều nuôi theo dạng tuần hoàn nước xanh.
Trong đó, ngoài thành công bên mô hình nuôi bán thâm canh trên tôm sú và tôm thẻ thì diện tích cấy lúa, nuôi quảng canh truyền thống và luân canh tôm, cua đều cho năng suất và thu nhập tăng theo từng vụ nuôi.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Phân viện phó Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải, đơn vị thực hiện dự án, đánh giá: Qua thực hiện nhiều dự án, mô hình tính đến thời điểm này có thể nói nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh mật độ thưa theo mô hình tuần hoàn nước xanh cho hiệu quả nhất.
Năng suất cả tôm và lúa qua từng vụ nuôi luôn ổn định và cho thu nhập cao.
Từ đó, người dân ngày càng ý thức hơn trong việc duy trì mô hình này.
Nhờ môi trường nuôi sạch được cấp từ nước trên ruộng lúa và mật độ thưa (15 con/m2 đối với tôm sú và 20 – 30 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng) nên tôm mau lớn, ít dịch bệnh.
Hiện, với 2 ao nuôi tôm sú mật độ 8 con/m2, thời gian gần 3 tháng tôm đạt trọng lượng 40 – 50 con/kg, anh Ngô Văn Sử dự kiến thu về vài chục triệu đồng.