Vùng bưởi Tân Triều nằm ở vùng địa hình thấp, được bao bọc bởi những phần địa hình cao hơn đã tạo nên tiểu vùng khí hậu đặc trưng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp loại trái cây này có được một hương vị đậm đà.
Người dân Tân Triều chăm sóc bưởi. Ảnh: Lamnong.
Giai đoạn kích thích ra hoa, tổng lượng mưa thấp dao động từ 330 – 630 mm thuận lợi cho quá trình thụ phấn. Giai đoạn đậu trái đến thu hoạch, tổng lượng mưa trung bình dao động từ 1.240 – 1.700 mm, lượng mưa tập trung khá lớn đáp ứng nhu cầu của cây, nuôi quả tạo nên chất lượng quả bưởi ngon ngọt và hương vị đậm đà.
Nhiệt độ trung bình cả năm chênh lệch không lớn, giá trị dao động từ 26,8 đến 27,5oC, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây bưởi, kích thích quá trình ra hoa và đậu trái. Từ tháng 2 đến tháng 5 (giai đoạn kích thích ra hoa), giá trị dao động từ 27,4 đến 28oC; từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau (giai đoạn đậu trái đến thu hoạch), nhiệt độ dao động từ 26 đến 27,2oC. Nhiệt độ trung bình vào mùa khô dao động không lớn, từ 27 – 27,5oC và mùa mưa là 26,1 – 27,7oC .
Độ ẩm trung bình năm trong khu vực dao động từ 78 – 80,5% và khác biệt rõ so với khu vực lân cận như vùng tiếp giáp của tỉnh Bình Dương, thành phố Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh. Sự khác biệt giữa độ ẩm mùa khô và mùa mưa, giữa giai đoạn kích thích ra hoa và giai đoạn đậu trái đến thu hoạch đã tác động đến tính chất sinh lý, hình thái và chất lượng của quả bưởi tạo nên nét đặc trưng riêng cho vùng trồng bưởi Tân Triều.
Tổng số giờ nắng trung bình năm khu vực nghiên cứu dao động từ 2.150 – 2.460 giờ, số giờ nắng cao tập trung ở vùng Tân An và thấp ở xã Bình Hòa, Tân Bình. Vùng trồng bưởi nằm trong khu vực có số giờ nắng tương đối thấp hơn so với thành phố Biên Hòa và nằm cùng dải phân bố với các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Bình Dương.