Site icon Kiến Thức Nhà Nông

15ha cam Vinh ở Hải Dương được chứng nhận VietGap

Nông dân bón các loại phân hữu cơ, dùng nước cá ngâm ủ, làm bẫy bắt côn trùng… để vườn cam được chứng nhận VietGap.

Vườn cam chín vàng dịp cuối năm. ​

Huyện Kinh Môn nằm ở phía Đông tỉnh Hải Dương, có địa hình bán sơn địa, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả bán ôn đới và nhiệt đới. Cuối năm 2017, toàn tỉnh có trên 21.100ha cây ăn quả lâu năm.

Cam Vinh được đưa về Hải Dương trồng cách đây không lâu, bên cạnh những giống cây trồng trọng tâm như vải, xoài, ổi…  Hợp khí hậu và chất đất phù sa pha cát của vùng Kinh Môn, cam phát triển tốt, cho quả thơm ngon, vị ngọt, hương thơm dịu nhẹ. 

Hải Dương có khoảng 15ha cam đã được chứng nhận đạt quy trình VietGap. Cây trồng chủ yếu tại huyện Kinh Môn với gần 20 hộ sản xuất, diện tích canh tác khoảng 10ha. Sản lượng trung bình khoảng 10-15 tấn mỗi năm.

Người dân trồng cam khi cây giống 3 tháng tuổi. Nông dân bón phân hữu cơ tự ủ làm từ đỗ tương và cá ngâm để cây vẫn sinh trưởng tốt, cho quả ngọt hơn. Khoảng 3 năm thì cây bắt đầu cho quả.

Ngoài chăm bón kỹ càng, người trồng còn tiến hành tạo tán từ nhỏ cho cây. Để hạn chế sâu bệnh hại cây, các chủ vườn dùng phôi, bẫy bả diệt côn trùng gây hại, đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Sau khi cam đậu quả, người trồng tiếp tục thực hiện quy trình tỉa rút cành để tạo độ thông thoáng cho cây, vừa hạn chế côn trùng gây hại, vừa giúp quả hấp thu đủ chất dinh dưỡng và to đều.

Cam Vinh đang vào mùa đơm hoa.

Cam Vinh ở Hải Dương ra hoa vào thời điểm giáp Tết Âm lịch, cho thu hoạch vào khoảng tháng 10 hàng năm. Khác với nhiều địa phương điều chỉnh cho cam ra hoa trái vụ để tăng sản lượng, người trồng cam Vinh tại Hải Dương chỉ thu hoạch cam một vụ trong năm, đảm bảo năng suất đều và chất lượng tốt. Trái cam hông chỉ được tiêu thụ nội tỉnh, mà còn phân phối cho các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…